Quân đội nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

17/01/2017

Thực hiện chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về Hội nhập quốc tế, ngày 27-5-2014, Việt Nam chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tuy thời gian và mức độ tham gia còn khiêm tốn, nhưng những cam kết và kết quả thành công bước đầu có ý nghĩa rất quan trọng để chúng ta nhìn nhận, đánh giá và đề ra phương hướng tiếp tục triển khai hiệu quả hơn hoạt động quan trọng này, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Điểm sáng của hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế

Có thể nói, việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế nói chung và của hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng nói riêng, được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau.

1. Quyết định cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc của Việt Nam có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một quyết định sáng suốt, quan trọng của Đảng, Nhà nước ta, nhằm góp phần triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Điều đó cũng khẳng định, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên đối với lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc sẽ góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới; đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, nâng cao uy tín, vị thế của Quân đội nhân dân và tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Triển khai lực lượng Quân đội làm nhiệm vụ tại các phái bộ của Liên hợp quốc nhằm thực hiện những cam kết chính trị mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đưa ra trước cộng đồng quốc tế đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm và đóng góp thiết thực của Việt Nam. Đây cũng là kết quả của cả một quá trình chủ động chuẩn bị tích cực, khẩn trương, kỹ lưỡng, đồng bộ và toàn diện trên tất cả các mặt, từ pháp lý, cơ chế, chính sách, tổ chức lực lượng, huấn luyện đến đảm bảo trang bị, hậu cần, kỹ thuật trong hơn 10 năm qua.

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng thể hiện bước phát triển mới về trình độ hội nhập quốc tế của Quân đội ta. Thực tiễn cho thấy, các cán bộ Quân đội hoàn toàn có đủ khả năng hội nhập và tham gia thành công vào việc thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế trong môi trường đa quốc gia, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, phối hợp hoạt động đa chiều trên cấp độ toàn cầu. Tham gia hoạt động này cũng là công cụ hữu hiệu để chúng ta thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa, vững chắc, bằng biện pháp hòa bình. Qua đó, khẳng định rõ quan điểm của Đảng ta là, gắn hòa bình, ổn định của quốc gia mình với giải quyết các vấn đề an ninh, hòa bình đang nổi lên trong khu vực và trên thế giới. Sự tham gia đó cũng giúp chúng ta tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về quốc phòng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, nâng cao năng lực cán bộ, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Cũng như các quốc gia khác, mục đích tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc của Việt Nam nhằm góp phần ngăn ngừa xung đột, khôi phục hòa bình, an ninh quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình cho tái thiết và phát triển, v.v. Vì thế, những cam kết và sự tham gia đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào hoạt động này được Liên hợp quốc đánh giá rất cao. Đặc biệt hiện nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những thách thức an ninh phi truyền thống, những mối đe dọa an ninh mang tính toàn cầu, tiềm ẩn nguy cơ xung đột từ tranh chấp lãnh thổ, vấn đề an ninh biển, cách hành xử đe dọa sử dụng vũ lực, bất chấp luật pháp quốc tế,… thì việc tham gia đảm bảo hòa bình, ổn định của khu vực lại càng có ý nghĩa quan trọng và trở nên cấp thiết. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp cho hòa bình, ổn định, phản đối mọi động thái sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, lấy lợi ích chung của cộng đồng và luật pháp quốc tế làm chuẩn mực cho mọi hành động, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời, phục vụ cho hòa bình, ổn định trong khu vực và trên toàn thế giới.

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn tôn trọng và nghiêm túc thực hiện tôn chỉ, mục đích Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam; tuân thủ các nguyên tắc của hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế; trong đó, tuân thủ sự nhất trí của các bên liên quan, vô tư, không thiên vị; chỉ sử dụng vũ lực để phòng vệ và là biện pháp cuối cùng; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Chúng ta cũng tham gia trên cơ sở nguyên tắc hoàn toàn độc lập, tự chủ, phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam và chỉ tham gia các hoạt động vì mục đích hòa bình, nhân đạo, tái thiết trong khuôn khổ Liên hợp quốc.

2. Làm tốt công tác tham mưu, chuẩn bị mọi mặt và triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp, bước đầu đạt được những kết quả nổi bật. Đây là nội dung quan trọng, quyết định đến kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Theo đó, về mặt tổ chức, chúng ta đã thành lập Tổ công tác liên ngành của Chính phủ để theo dõi và thường xuyên chỉ đạo hoạt động này. Bộ Quốc phòng đã xây dựng và triển khai “Đề án Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 05-12-2013); đồng thời, thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo của Bộ về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng. Các cơ chế trên đã đi vào hoạt động, phối hợp tốt và đóng góp tích cực vào việc triển khai lực lượng tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động quan trọng này cũng được coi trọng. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã tham mưu, soạn thảo và hoàn thiện từng bước hệ thống văn bản pháp lý về việc cử lực lượng Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trong đó có Nghị quyết của Quốc hội; Quy định về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia; Quy chế quản lý lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam ở nước ngoài; Quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, v.v. Đây thực sự là cơ sở pháp lý quan trọng, làm cơ sở để các lực lượng triển khai các hoạt động thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.

Mặt khác, trên cơ sở kết quả công tác chuẩn bị về mọi mặtViệt Nam đã chính thức đăng ký vào Hệ thống Bố trí Lực lượng Thường trực của Liên hợp quốc (UNSAS) về việc sẵn sàng cử thêm các sĩ quan quân sự, 01 Bệnh viện dã chiến cấp 2 và 01 Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đồng thời, chúng ta cũng xây dựng, kiện toàn, rút gọn, đơn giản hóa và hợp lý hóa quy trình thủ tục cử cá nhân và đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại các phái bộ; chuẩn bị các nội dung liên quan để đàm phán, ký kết các văn bản với Liên hợp quốc. Các thủ tục pháp lý này được tiến hành song song với công tác chuẩn bị triển khai lực lượng, bảo đảm sau khi xác định và đăng ký địa bàn phái bộ cụ thể, các lực lượng có thể thực hiện nhiệm vụ trong khung thời gian quy định của Liên hợp quốc.

Về chuẩn bị triển khai lực lượng, chúng ta đã tích cực, chủ động làm tốt công tác tổ chức biến chế, huấn luyện đào tạo, mua sắm trang bị, đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, bước đầu triển khai thành công lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Về hình thức tham gia, chúng ta thực hiện cả hình thức cá nhân và đơn vị. Đối với hình thức cá nhân, Việt Nam đã cử 02 sĩ quan Quân đội đầu tiên đi làm nhiệm vụ Sĩ quan Liên lạc tại Phái bộ Nam Xu-đăng với nhiệm kỳ 6 tháng và thực hiện chế độ luân phiên thay thế, được cộng đồng quốc tế hoan nghênh và đánh giá cao. Trên nền tảng thành công đó, chúng ta tiếp tục cử 03 cán bộ đi làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu quân sự tại Phái bộ Cộng hòa Trung Phi và sẵn sàng cử thêm các sĩ quan tham gia dưới hình thức cá nhân khác khi Liên hợp quốc có nhu cầu. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ, các sĩ quan Việt Nam luôn được lãnh đạo Liên hợp quốc, lãnh đạo phái bộ và quốc gia sở tại đánh giá cao về tính kỷ luật và tính chủ động, sáng tạo trong phối hợp công tác cũng như khả năng triển khai thực hiện nhiệm vụ độc lập. Ngoài ra, các cán bộ của ta cũng đồng thời làm tốt công tác đảm bảo hậu cần, tăng gia sản xuất, chủ động đảm bảo đời sống của mình và giúp đỡ, hỗ trợ cho các sĩ quan quốc tế đang cùng thực hiện nhiệm vụ trong cùng phái bộ.

Về hình thức đơn vị, chúng ta đã tổ chức và tiến hành huấn luyện tập trung 01 Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh để sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình theo chuẩn của Liên hợp quốc. Để xác định địa bàn triển khai phù hợp, chúng ta đang khẩn trương tiến hành công tác nghiên cứu, khảo sát thực địa các phái bộ. Cùng với đó, chúng ta cũng chú trọng nghiên cứu triển khai lồng ghép một số nhóm lực lượng của mình vào các đơn vị của các nước đối tác, bạn bè triển khai ở các phái bộ. Đây là hình thức phổ biến đối với các nước mới tham gia môi trường gìn giữ hòa bình quốc tế, nhằm tích lũy kinh nghiệm, phối hợp hoạt động ở môi trường đa quốc gia trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Bên cạnh hai hình thức trên, chúng ta cũng đang tích cực chuẩn bị và sẵn sàng cử các sĩ quan ưu tú của Quân đội vào làm việc theo hình thức sĩ quan biệt phái trong các cơ quan gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc.

Để nâng cao năng lực, hiệu quả cho các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốcBộ Quốc phòng đã thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam và chủ trương xây dựng Trung tâm này mang tầm cỡ khu vực, có đủ năng lực huấn luyện lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam và các quốc gia khu vực; đồng thời, có thể thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai cũng như tham gia các hoạt động hợp tác song phương và đa phương trong khu vực.

3. Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã trở thành một kênh đối ngoại quốc phòng quan trọng của Việt Nam. Chúng ta đã chủ động, tích cực đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, nhằm tranh thủ huy động tối đa nguồn lực và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao năng lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Quá trình thực hiện, chúng ta đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình, quý báu của nhiều nước đối tác, bạn bè và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc thông qua chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác huấn luyện - đào tạo và hỗ trợ tài chính. Chúng ta đã phối hợp tổ chức và tham dự các hội nghị, diễn đàn, hội thảo quốc tế về gìn giữ hòa bình; cử nhiều lượt sĩ quan tham gia các khóa tập huấn về vấn đề này tại nước ngoài; tiếp nhận giải ngân các gói tài trợ xây dựng Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam và mua sắm trang thiết bị cho huấn luyện và triển khai lực lượng trên thực địa. Thật khó có thể tin rằng, chỉ trong thời gian chưa đầy một năm sau khi Việt Nam triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, ba lãnh đạo cao nhất của Liên hợp quốc là Tổng Thư ký Ban Ki-moon, Phó Tổng Thư ký phụ trách bảo đảm thực địa A-me-rát Hát và Phó Tổng Thư ký phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình H. Lát-xâu đã đến thăm Việt Nam. Các lãnh đạo Liên hợp quốc đều dành những lời lẽ tốt đẹp về Việt Nam, đánh giá cao cam kết và sự đóng góp thiết thực của Việt Nam cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế, cam kết hỗ trợ Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào hoạt động cao cả này. Chính vì lẽ đó, hợp tác về gìn giữ hòa bình cũng đã trở thành một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của các cơ chế đối thoại, tham vấn, trao đổi, hợp tác quốc phòng song phương và đa phương của Việt Nam.

Trong năm 2015, Bộ Quốc phòng đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với các nước đối tác quan trọng, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a; triển khai nhiều hoạt động trao đổi đoàn, tổ chức các đoàn cấp cao Bộ Quốc phòng đến làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc và thăm khảo sát thực địa các phái bộ để triển khai lực lượng.

Chúng ta cũng chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương. Đặc biệt, lần đầu tiên, tại Trụ sở Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh về gìn giữ hòa bình và trực tiếp đưa ra những cam kết về đóng góp cụ thể của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chúng ta cũng tham gia Nhóm chuyên gia về gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), đồng chủ trì cùng Ấn Độ, Hàn Quốc và Cam-pu-chia tổ chức các cuộc họp lập kế hoạch chuẩn bị Diễn tập thực binh kết hợp Nhóm chuyên gia về gìn giữ hòa bình và Hành động mìn nhân đạo tại Ấn Độ vào năm 2016 mà Việt Nam là nước chủ động đưa ra sáng kiến. Đây là những hoạt động thiết thực góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong việc xây dựng cấu trúc an ninh khu vực nhiều tầng, nhiều lớp với ASEAN làm trung tâm.

Rõ ràng, hoạt động đối ngoại và hợp tác về gìn giữ hòa bình đã trở thành một kênh quan trọng để củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng, góp phần đưa các quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, nâng cao uy tín và vị thế của đất nước và Quân đội, tạo điều kiện thu hút nguồn lực, tăng cường tiềm lực quốc phòng cho đất nước.

Nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Thời gian tới, môi trường hoạt động gìn giữ hòa bình ngày càng phức tạp và thách thức, các điểm nóng gia tăng với tính chất ngày càng khốc liệt trong khi nhu cầu của Liên hợp quốc về nguồn lực và năng lực đóng góp từ các quốc gia thành viên cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở phái bộ thực địa ngày càng cao. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cử lực lượng tham gia có trách nhiệm và hiệu quả vào các hoạt động này, góp phần giải quyết các vấn đề an ninh, hòa bình quốc tế đang nổi lên; trong đó, tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu về các vấn đề liên quan đến lực lượng Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành liên quan nhằm đẩy mạnh quy trình triển khai lực lượng theo lộ trình đề ra; từng bước mở rộng phạm vi, quy mô, lĩnh vực, hình thức tham gia phù hợp với chủ trương, nguyên tắc, khả năng và điều kiện tham gia của Việt Nam theo phương châm: thận trọng, chắc chắn.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và sớm ban hành các văn bản pháp lý liên quan; trong đó có Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đồng thời, sớm ban hành các quy định về chế độ, chính sách; nghiên cứu rút ngắn, đơn giản hóa và hợp lý hóa quy trình thủ tục cử lực lượng tham gia; chuẩn bị dự thảo, đàm phán, ký kết Bản ghi nhớ với Liên hợp quốc về việc cử các đơn vị đến các phái bộ, v.v.

Thứ ba, khẩn trương làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt để sớm triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh theo quy trình và lộ trình đề ra khi Liên hợp quốc có yêu cầu; tiếp tục cử thêm các suất cá nhân tham gia các phái bộ, chuẩn bị tốt nhân sự ứng thí vào các vị trí trong các cơ quan gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc.

Thứ tư, tập trung xây dựng và kiện toàn Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam cả về tổ chức biên chế, vật chất trang bị, đội ngũ cán bộ, chất lượng chuyên môn đảm bảo đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục xây dựng Trung tâm thành một cơ sở huấn luyện, đào tạo có quy mô, tầm cỡ và uy tín ở khu vực về hoạt động gìn giữ hòa bình và hợp tác hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, góp phần phục vụ công tác chuẩn bị lực lượng của Việt Nam và các nước tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh sâu rộng hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân để thống nhất và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, chủ trương và đóng góp thiết thực của Việt Nam cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trong đó, tập trung quán triệt việc tham gia hoạt động này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để từ đó, tập trung nỗ lực nâng cao hiệu quả tham gia. Kết hợp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đối ngoại cả trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú để góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước và Quân đội, tranh thủ thu hút nguồn lực hợp tác quốc tế, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho hội nhập quốc tế của đất nước.

Dưới ánh sáng của đường lối đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về Hội nhập quốc tế và Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành cùng sự ủng hộ rộng rãi, mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, với nỗ lực, tinh thần quyết tâm cao, chúng ta sẽ triển khai hiệu quả “Đề án Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo”, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam thăm và làm việc với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam

29/02/2024

Chiều ngày 29/02/2024, Ông Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam đã đến thăm và làm việc với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Chủ trì đón tiếp Đại sứ EU là đồng chí Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Đoàn Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản thăm Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam

27/02/2024

Sáng 27/02/2024, trong khuông khổ Chương trình Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản cấp Thứ trưởng lần thứ 10, Ông Serizawa Kiyoshi, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã có chuyến thăm và làm việc tại Cục Gìn giữ hòa binh Việt Nam. Đồng chí Đại tá Phạm Mạnh Thắng - Cục trưởng, chủ trì buổi tiếp Đoàn Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam làm việc với Đoàn Trợ lý Thứ trưởng phụ trách chính sách Bộ Quốc phòng Canada

24/01/2024

Chiều 24/01/2024, Đoàn công tác do Ông Peter Hammerschmidt, Trợ lý Thứ trưởng phụ trách chính sách Bộ Quốc phòng Canada làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Đồng chí Đại tá Phạm Mạnh Thắng - Cục trưởng chủ trì buổi làm việc.

Đoàn công tác Bộ Quốc phòng Bê-la-rút thăm và làm việc tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam

20/12/2023

Sáng 20/12, Đoàn công tác do Đại tá Valery Alexandrovich Revenko- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quân sự quốc tế/Bộ Quốc phòng Bê-la-rút làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Chủ trì tiếp đón có Đại tá Phạm Mạnh Thắng- Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Tham dự làm việc còn có cán bộ, chỉ huy các phòng ban tại đơn vị.

Đoàn công tác Cục hợp tác An ninh và Quốc phòng Pháp thăm Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam

12/12/2023

Ngày 12/12, Đoàn công tác Cục hợp tác An ninh và Quốc phòng Pháp do Thượng tướng Régis Colcombet làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Chủ trì tiếp đón có Đại tá Phạm Mạnh Thắng- Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Thư viện ảnh

Hoạt động Gìn Giữ Hòa Bình

Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission

Việt Nam

Phái bộ GGHB LHQ

Phái bộ có lực lượng Việt Nam