Ngoại giao và hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

25/03/2021

/UploadStore/2. Ảnh TT Lê Hoài Trung.jpgĐồng chí Lê Hoài Trung,

Ủy viên Trung ương Đảng

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao


Hòa bình là nguyện vọng thiết tha, cháy bỏng và mục tiêu thiêng liêng, xuyên suốt của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước. Ngay sau khi dân tộc vừa giành lại được độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cho nước Việt Nam mới viết thư gửi Khóa họp đầu tiên của Đại hội đồng tổ chức tại Luân Đôn (tháng 1/1946) khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với những mục tiêu của LHQ và bày tỏ mong muốn được góp sức vào công việc chung của tổ chức thế giới mới đó. Kể từ đó, nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn thử thách khắc nghiệt, phấn đấu vì những mục tiêu thiêng liêng của cả dân tộc, đồng thời cũng là những lý tưởng của LHQ là hoà bình, quyền tự quyết, bình đẳng cho mọi dân tộc. 

Nhìn lại thời điểm cách đây hơn 10 năm, sau gần 30 năm kể từ khi chính thức gia nhập LHQ năm 1977 và 20 năm thực hiện thành công công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc bảo vệ đất nước, đổi mới, phát triển kinh tế xã hội, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, có vị thế và uy tín ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. Ta đã chủ động tham gia và có nhiều đóng góp trên nhiều vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và thế giới được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. 

Đại hội X của Đảng năm 2006 nhấn mạnh cần “góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới”, đồng thời khẳng định kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế theo tinh thần “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”, “tham gia tích cực vào các tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”, tích cực, chủ động tiến hành hoạt động “ngoại giao quốc phòng và an ninh” song song với “ngoại giao chính trị”. Đó là cơ sở và tiền đề quan trọng để chúng ta nghiên cứu và thúc đẩy việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ), góp phần nâng cao vị thế và uy tín đất nước.

Tuy vậy, con đường dẫn đến sự tham gia của Việt Nam đối với lĩnh vực này không hoàn toàn dễ dàng và bằng phẳng, chủ yếu do một số nguyên nhân khách quan. Đó là: (i) Do những trải nghiệm lịch sử, ở nhiều thời điểm, một số hoạt động của LHQ, HĐBA, trong đó có hoạt động GGHB LHQ bị đánh giá là không phù hợp với luật pháp quốc tế và ngay cả Hiến chương LHQ, còn được nhìn nhận khá tiêu cực, thậm chí bị coi là công cụ của Mỹ và các nước phương Tây; trong một số trường hợp hoạt động GGHB LHQ bị coi là xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Bên cạnh đó, việc cử lực lượng quân đội ra nước ngoài thực hiện nghĩa vụ quốc tế vẫn còn là vấn đề nhạy cảm; (ii) Hoạt động GGHB LHQ luôn ẩn chứa những phức tạp về mặt chính trị và rủi ro về tính mạng con người, đồng thời cũng có lúc thiếu tính khách quan, trung lập do phần nào chịu sự chi phối, tác động của các nước lớn; (iii) Đây là lĩnh vực còn quá mới mẻ, xa lạ, ta chưa có kiến thức, kinh nghiệm và năng lực tham gia. 

Trước tình hình đó và nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự chủ động phối hợp và tham gia của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, ngay từ năm 2005 Bộ Ngoại giao đã tổ chức 2 đoàn liên ngành đi thực địa (Haiti, Trụ sở LHQ), các hội thảo với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài để tìm hiểu về phương thức tổ chức, triển khai hoạt động của các Phái bộ GGHB LHQ. Tháng 11/2006, Bộ Ngoại giao thành lập Tổ công tác liên ngành về GGHB LHQ với nhiệm vụ phối hợp nghiên cứu, tìm hiểu về GGHB và khả năng tham gia của ta; tham mưu giúp Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng trình Bộ Chính trị Báo cáo đánh giá tổng thể về GGHB LHQ và kiến nghị chủ trương của ta. Tổ công tác liên ngành đã tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm tham gia HĐGGHB LHQ. 

Trên cơ sở đó, tháng 11/2012 Bộ Ngoại giao trong vai trò là Cơ quan chủ trì đã trình Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ và được Bộ Chính trị thông qua. Đề án khẳng định các nguyên tắc then chốt làm cơ sở cho tham gia của ta vào hoạt động GGHB LHQ là (i) tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; (ii) phải được Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ thông qua bằng nghị quyết, có nhiệm vụ rõ ràng và có sự đồng ý của các bên liên quan; (iii) cần bảo đảm tính khách quan, không thiên vị; (iv) chỉ tham gia các Phái bộ được HĐBA LHQ thành lập làm nhiệm vụ tại các khu vực đã có thỏa thuận hòa bình giữa các bên tham chiến; và (v) LHQ có đề nghị Việt Nam xem xét đóng góp lực lượng cho Phái bộ GGHB LHQ; không tham gia các Phái bộ có nhiệm vụ cưỡng chế để thực hiện các sứ mệnh được giao. Các lực lượng của ta không tham gia các hoạt động tác chiến, chỉ tham gia các hoạt động mang tính nhân đạo, hoặc các công tác hỗ trợ như hậu cần, quân y, rà phá bom mìn, quan sát viên quân sự, giám sát bầu cử, hoặc cử các sĩ quan tham mưu, hậu cần và phi công trực thăng vận tải cho LHQ; có lộ trình cụ thể và bảo đảm tính chủ động trong việc lựa chọn loại hình, quy mô, thời gian, địa điểm tham gia, phù hợp với yêu cầu và điều kiện của ta. 

Trong quá trình triển khai, Bộ Ngoại giao đã quán triệt, bám sát phương châm, mục tiêu của Đề án Tổng thể, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tích cực và chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan từng bước thúc đẩy và mở rộng sự tham gia của ta trong hoạt động GGHB LHQ; tranh thủ các cơ quan liên quan của Ban Thư ký LHQ và các đối tác quốc tế tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, huấn luyện, xây dựng năng lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai lực lượng của ta; tích cực phối hợp, tham gia xây dựng, đóng góp và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến việc tham gia gìn giữ hòa bình, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về sự tham gia của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ý nghĩa của việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với công tác ngoại giao

Có thể khẳng định việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Con số 172 lượt cán bộ, sĩ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình mang một giá trị biểu tượng rất lớn về hình ảnh của một đất nước Việt Nam đổi mới, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Việc Việt Nam tích cực tham gia và đóng góp cho hoạt động GGHB LHQ góp phần khẳng định đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước, phản ánh rõ nét sự đổi mới quan trọng về tư duy trong trong hội nhập quốc tế và đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng của Việt Nam, nhằm đáp ứng các mục tiêu xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cũng thông qua hoạt động này, chúng ta tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng các mục tiêu và tôn chỉ của LHQ, các nguyên tắc cơ bản của hoạt động GGHB LHQ, góp phần kiến tạo và xây dựng hòa bình bền vững.

Nhiều nước, đặc biệt là các nước lớn và đối tác quan trọng, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong hoạt động GGHB LHQ, qua đó mở rộng nội hàm và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác của ta với các nước. Tháng 6/2019, đánh dấu một sự kiện quan trọng khi Việt Nam được ĐHĐ LHQ bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ với số phiếu kỷ lục 192/193. Kết quả này thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, trong đó có sự ghi nhận việc Quân đội nhân dân Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào GGHB LHQ.

Ta đã bước đầu đạt được các mục tiêu đề ra trong Đề án tổng thể, đó là: (i) góp phần nâng cao vị trí và tiếng nói của ta trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế; từ đó tạo thêm điều kiện thuận lợi để thúc đẩy với các nước và đối tác; (ii) Đề cao hơn nữa uy tín của các lực lượng vũ trang Việt Nam, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh-quốc phòng; (iii) Phục vụ cho công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược và thêm các thông tin, tri thức khác cho các lực lượng chức năng của ta, nâng cao trình độ của các cán bộ trong các lĩnh vực khác tham gia HĐGGHB LHQ. Đồng thời, tranh thủ hỗ trợ của quốc tế cho công tác đào tạo, đầu tư, hiện đại hóa một số cơ sở vật chất, trang thiết bị của ta. 

 Một số bài học, kinh nghiệm và đề xuất.

Những kết quả tích cực chúng ta đạt được trong tham gia GGHB LHQ thời gian qua là tổng hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó, tôi xin nhấn mạnh một số bài học, kinh nghiệm như sau:

Một là, điều này trước hết là bắt nguồn từ đường lối đối ngoại đúng đắn, sự quan tâm và chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng, Nhà nước và vị thế ngày càng được nâng cao của đất nước. Việc kiên trì tư tưởng, đường lối nhất quán về đối ngoại của Đảng về hòa bình và phát triển là điều kiện căn bản để Việt Nam chủ động và tích cực tham gia hoạt động GGHB LHQ. Cùng với đó, uy tín, hình ảnh của Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, anh hùng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, đạt nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới với thế và lực ngày càng được nâng cao tạo thêm cho ta những thế mạnh để đóng góp tích cực vào công việc chung của LHQ. Tổ công tác liên ngành và các cơ quan liên quan đã thường xuyên chủ động và tích cực trao đổi, phối hợp triển khai các công tác nghiên cứu, dự báo, kịp thời tham mưu đề xuất lên Lãnh đạo Cấp cao có thẩm quyền cho chủ trương đối với những vấn đề lớn, quan trọng về gìn giữ hòa bình.

Hai là, Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hết lòng phục vụ nhân dân trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, luôn gắn bó mật thiết và đặt quyền lợi của nhân dân trên hết. Chính vì vậy, cán bộ chiến sĩ ta tham gia GGHB LHQ đã phát huy cao độ bản chất cao đẹp đó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được LHQ và Đảng giao phó để đem lại hòa bình, dành được sự mến yêu của người dân sở tại.

Ba là, tham gia hoạt động GGHB LHQ là kết quả cụ thể của quá trình đổi mới tư duy, nhận thức của ta về LHQ, HĐBA, GGHB LHQ, về hội nhập quốc tế toàn diện, về đối ngoại đa phương và đối ngoại quốc phòng. Điều này được thể hiện qua sự kế thừa và phát triển chủ trương, đường lối của Đảng về đối ngoại, hội nhập qua các kỳ Đại hội, sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trong đó xác định lực lượng vụ trang nhân dân Việt Nam tham gia bảo vệ hòa bình thế giới. Bên cạnh đó, từng bước tạo dựng đồng thuận, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp đảng viên, cán bộ và nhân dân đối với trách nhiệm tham gia và đóng đóp cho hòa bình, an ninh thế giới.

Bốn là, sớm chuẩn bị bài bản, công phu, kỹ lưỡng và khoa học về chủ trương trương, cơ chế, lộ trình và xây dựng lực lượng phù hợp nhằm phát huy tối đa lợi ích, vai trò và khả năng tham gia, đóng góp của ta.

Năm là, công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm, chú trọng và đẩy mạnh với nhiều chương trình, bài viết, tin tức phong phú, đa dạng giúp Đảng viên, quần chúng nhân dân nắm bắt, theo dõi sát và kịp thời sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các Phái bộ; nâng cao niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào đường lối đổi mới, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Thưa các đồng chí,

Với những kinh nghiệm và bài học kinh nghiệm nêu trên, tôi tin tưởng rằng công tác tham gia hoạt động GGHB LHQ sẽ tiếp tục đạt được thêm nhiều thành công quan trọng nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Nhà nước đã tin cậy giao phó. Trên tinh thần đó, tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ, đề xuất như sau:

Một là, trong triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình, tiếp tục quán triệt, bám sát và thực hiện nghiêm túc chủ trương đường lối đối ngoại của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XII, sắp tới là Đại hội XIII, Nghị quyết 22-NQ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chỉ thị 25/CT-TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Đề án tổng thể đã được Bộ Chính trị phê duyệt.

Hai là, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng và phức tạp, có tác động trực tiếp đến các hoạt động GGHB LHQ và cũng để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả và nâng tầm tham gia của ta vào các hoạt động này, các Bộ, Ban, ngành liên quan, đặc biệt là cơ quan thành viên Tổ công tác liên ngành, cần tiếp tục chủ động, phối hợp chặt để đề xuất, tham mưu kịp thời, chính xác cho Đảng và Chính phủ trong triển khai, kể cả trên thực địa lẫn việc từng bước tham gia hoạch định chính sách của Liên hợp quốc. “Phối hợp chặt chẽ, chủ động tích cực, hiệp đồng tác chiến” là một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công thời gian qua. Và đây cũng chính là yếu tố để duy trì thành quả và phát huy thành công hơn nữa của chúng ta trong thời gian tới. 

Ba là, với phương châm, “đóng góp cho hòa bình, an ninh quốc tế cũng sẽ góp phần quan trọng cho bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển của chúng ta”, cần tiếp tục nâng cao trình độ tổ chức, huấn luyện lực lượng, đặc biệt là năng lực chuyên môn, kỹ năng và ngoại ngữ của cán bộ, chiến sỹ để từng bước đảm nhận vai trò lớn hơn và hoàn thành tốt “sứ mệnh cao cả” trong gìn giữ và kiến tạo hòa bình. Tranh thủ tốt các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, nhất là của LHQ và các đối tác chủ chốt khác.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự tham gia, đóng góp của ta đối với hoạt động GGHB LHQ. Nội dung, hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa dạng và được đổi mới, sáng tạo nhằm thu hút nhiều hơn sự quan tâm, chú ý của dư luận trong và ngoài nước, thể hiện rõ được chủ trương, định hướng tham gia của ta.

Năm là, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm tranh thủ vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA để thúc đẩy hợp tác quốc tế về đào tạo, nâng cao năng lực, mở rộng địa bàn và tăng cường cử cán bộ quân đội, công an của ta tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ ở cả cấp độ Phái bộ lẫn cấp độ hoạch định chiến lược tại Trụ sở LHQ, từ đó chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin và đánh giá chính xác về tình hình thực địa tại các địa bàn có lực lượng của ta triển khai, cơ cấu tổ chức chỉ huy, phối hợp và phương thức hoạt động, các ưu tiên lĩnh vực và địa bàn triển khai của các Phái bộ, thúc đẩy hợp tác và tham gia của ta tại các cơ chế quốc phòng – an ninh đa phương.

Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc tìm hiểu và thúc đẩy các vị trí, địa bàn phù hợp để tiếp tục cử lực lượng của ta tham gia hoạt động GGHB LHQ; tăng cường quảng bá tại LHQ và trong quan hệ với các nước về sự tham gia của ta tại các Phái bộ GGHB./.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam thăm và làm việc với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam

29/02/2024

Chiều ngày 29/02/2024, Ông Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam đã đến thăm và làm việc với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Chủ trì đón tiếp Đại sứ EU là đồng chí Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Đoàn Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản thăm Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam

27/02/2024

Sáng 27/02/2024, trong khuông khổ Chương trình Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản cấp Thứ trưởng lần thứ 10, Ông Serizawa Kiyoshi, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã có chuyến thăm và làm việc tại Cục Gìn giữ hòa binh Việt Nam. Đồng chí Đại tá Phạm Mạnh Thắng - Cục trưởng, chủ trì buổi tiếp Đoàn Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam làm việc với Đoàn Trợ lý Thứ trưởng phụ trách chính sách Bộ Quốc phòng Canada

24/01/2024

Chiều 24/01/2024, Đoàn công tác do Ông Peter Hammerschmidt, Trợ lý Thứ trưởng phụ trách chính sách Bộ Quốc phòng Canada làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Đồng chí Đại tá Phạm Mạnh Thắng - Cục trưởng chủ trì buổi làm việc.

Đoàn công tác Bộ Quốc phòng Bê-la-rút thăm và làm việc tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam

20/12/2023

Sáng 20/12, Đoàn công tác do Đại tá Valery Alexandrovich Revenko- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quân sự quốc tế/Bộ Quốc phòng Bê-la-rút làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Chủ trì tiếp đón có Đại tá Phạm Mạnh Thắng- Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Tham dự làm việc còn có cán bộ, chỉ huy các phòng ban tại đơn vị.

Đoàn công tác Cục hợp tác An ninh và Quốc phòng Pháp thăm Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam

12/12/2023

Ngày 12/12, Đoàn công tác Cục hợp tác An ninh và Quốc phòng Pháp do Thượng tướng Régis Colcombet làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Chủ trì tiếp đón có Đại tá Phạm Mạnh Thắng- Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Thư viện ảnh

Hoạt động Gìn Giữ Hòa Bình

Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission

Việt Nam

Phái bộ GGHB LHQ

Phái bộ có lực lượng Việt Nam