Gian nan, thử thách hành trình đến với Phái bộ UNISFA của Sĩ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam

15/06/2023

Để trở thành “lính mũ nồi xanh”, đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được tuyển chọn hết sức kỹ lưỡng, đáp ứng đầy đủ những tiêu chí do Liên hợp quốc (LHQ) đặt ra. Vượt qua các vòng sát hạch trong nước một cách khá dễ dàng, tuy nhiên thử thách thực sự đến với Đại úy Trần Nam Phương trong hành trình anh di chuyển từ Việt Nam tới Phái bộ UNISFA – Khu vực Abyei. 

Tròn 10 năm lăn lộn trong quân ngũ trên nhiều cương vị khác nhau, công tác từ những đơn vị cơ sở ở phía Nam xa xôi đến cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội, năm 2022, Đại úy Trần Nam Phương được tuyển chọn tham gia huấn luyện sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ. Trải qua quá trình huấn luyện, kiểm tra khắt khe trong nước, sau khi LHQ chấp thuận hồ sơ ứng tuyển vị trí, ngày 07/02/2023, Đại úy Trần Nam Phương được Bộ Quốc phòng trao Quyết định của Chủ tịch nước điều động thực hiện nhiệm vụ GGHB tại Phái bộ UNISFA – Khu vực Abyei. Cũng giống như tất cả sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia thực hiện nhiệm vụ GGHB, trước mắt Đại úy Trần Nam Phương là cả một chặng đường mới ở một vùng đất mới với lịch sử hàng chục năm chìm trong xung đột, nội chiến. 

/UploadStore/admin/230615 Nam Phuong/PHOTO-2023-06-14-09-02-52.jpg

Đại úy Trần Nam Phương (thứ hai từ bên phải sang) và các sĩ quan GGHB Việt Nam nhận Quyết định Chủ tịch nước

Không may mắn như nhiều đồng nghiệp khác được triển khai sang địa bàn Phái bộ theo nhóm và có thể hỗ trợ nhau trong quá trình di chuyển, Đại úy Trần Nam Phương phải “hành quân” một mình trong suốt hành trình sang Phái bộ UNISFA – Khu vực Abyei. Rạng sáng ngày 08/4/2023 từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đại úy Trần Nam Phương bắt đầu hành trình thực hiện sứ mệnh GGHB LHQ. Dự kiến sau hơn một tuần, anh sẽ có mặt tại Sở Chỉ huy Phái bộ UNISFA – Khu vực Abyei vào ngày 16/4. Nhưng đối với những nhiệm vụ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao như GGHB, thật không dễ để lường trước được những tình huống có thể xảy ra. 

Sau khi quá cảnh tại 02 quốc gia và hoàn thiện các thủ tục hành chính bắt buộc của LHQ tại thành phố Entebbe (Cộng hòa Uganda), Đại úy Trần Nam Phương tiếp tục hành trình đến Thủ đô Khartoum, Cộng hòa Sudan. Đặt chân đến Khartoum vào tối ngày 14/4, trải qua hơn 03 tiếng đồng hồ xoay sở với các thủ tục nhập cảnh phức tạp của quốc gia Đông Phi và sự thiếu chuyên nghiệp của bộ phận trả hành lý ký gửi, cuối cùng Đại úy Trần Nam Phương cũng đến được Khách sạn Musan, một khách sạn nhỏ không mấy tiện nghi nằm gần Sân bay quốc tế Khartoum để nghỉ ngơi chuẩn bị cho những chuyến bay cuối cùng đến Sở Chỉ huy Phái bộ UNISFA – Khu vực Abyei.  

Tưởng chừng như mọi thứ sẽ diễn ra thuận lợi đối với Đại úy Trần Nam Phương khi trước mắt anh chỉ còn 02 chuyến bay nội bộ của LHQ là có thể đến được Sở chỉ huy Phái bộ UNISFA – Khu vực Abyei. Thế nhưng, sáng ngày 15/4, khi người lính GGHB Việt Nam vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ sau những chuyến bay dài mệt mỏi, một loạt tiếng súng và tiếng nổ lớn làm rung chuyển khu vực xung quanh Khách sạn Musan, báo hiệu những điều bất thường sắp xảy ra. Rất nhanh chóng anh lao về phía cửa sổ để quan sát tình hình bên ngoài. Từ cửa sổ, anh nhìn thấy rõ khói đen bốc lên từ các tòa nhà hướng về khu vực Sân bay quốc tế Khartoum. Ngay lập tức Đại úy Trần Nam Phương tiến hành báo cáo với Tổ công tác Việt Nam tại Phái bộ UNISFA – Khu vực Abyei (gọi tắt là Tổ công tác Abyei). 

/UploadStore/admin/230615 Nam Phuong/PHOTO-2023-06-14-09-02-52-2.jpg

Khói đen bốc lên từ các tòa nhà hướng về Sân bay quốc tế Khartoum

Ngay sau khi nắm được thông tin chính thức từ Tổ công tác Abyei và các nguồn thông tin từ báo chí cả trong nước và nước ngoài về nguyên nhân và các bên có liên quan đến vụ nổ súng1, bằng kiến thức và kỹ năng đã được tôi rèn trong môi trường quân đội, anh sớm tiên lượng những diễn biến xấu hơn của tình hình và khả năng mắc kẹt lâu ngày tại Thủ đô Khartoum. Đúng như anh dự đoán, Sân bay quốc tế Khartoum đã bị chiếm đóng, Tổ công tác Abyei thông báo Phái bộ UNISFA hoãn vô thời hạn các chuyến bay đến và đi từ sân bay này.

Trong 02 ngày 15/4 và 16/4, giao tranh giữa Quân đội Chính phủ và Lực lượng Hỗ trợ nhanh Sudan tại Thủ đô Khartoum diễn ra vô cùng ác liệt. Máy bay tiêm kích quần lượn, gầm rú ngay sát các tòa nhà cao tầng và công trình dân sự, xe tăng, xe bọc thép xuất hiện trên đường phố Thủ đô Khartoum. Tại khu vực khách sạn nơi Đại úy Trần Nam Phương đang lưu trú, điện, nước, internet và các dịch vụ thiết yếu khác hoàn toàn bị cắt. Lúc này, nguy cơ mất an toàn rất cao, việc đạn, pháo, rocket bay lạc đến khu vực Khách sạn Musan là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Thậm chí, người chủ và nhân viên khách sạn này cũng đã di chuyển đến một nơi trú ẩn khác an toàn hơn. Không điện, không internet, Đại úy Trần Nam Phương không thể liên lạc với gia đình, không thể xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo, chỉ huy các cấp; thực phẩm, nước uống cũng gần cạn kiệt. Rời khỏi khách sạn tránh “bom rơi, đạn lạc” hay cố gắng cầm cự ở lại chờ giải cứu lúc này trở thành một bài toán hóc búa đối với Sĩ quan GGHB Việt Nam.

/UploadStore/admin/230615 Nam Phuong/PHOTO-2023-06-14-09-02-52-3.jpg

Máy bay tiêm kích trên bầu trời Thủ đô Khartoum

Quan sát thấy người dân địa phương dần ra khỏi nhà để mua thực phẩm và di tản theo từng nhóm nhỏ, với khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt, anh mạnh dạn trao đổi với một vài người dân để nắm bắt tình hình chiến sự. Khi biết anh là người Việt Nam, người dân địa phương rất nhiệt tình cung cấp thông tin, thậm chí chia sẻ internet trên điện thoại di động. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi được truy cập internet, Đại úy Trần Nam Phương lập tức liên lạc với gia đình, báo cáo tổ chức; đồng thời, anh biết được địa điểm đầu tiên trong Kế hoạch giải cứu nhân viên của Phái bộ UNISFA và LHQ là Khách sạn Al Salam. 

Khi nhận tin của người dân địa phương báo khu vực anh đang ở đã được Quân đội Chính phủ kiểm soát và tạm thời khá an toàn, tận dụng khoảng thời gian ít ỏi đó, anh nhờ người dân tìm giúp mình một tài xế có kinh nghiệm, thông thạo địa bàn, biết né tránh các trạm kiểm soát và những nơi nguy hiểm. Sáng ngày 17/4, Đại úy Trần Nam Phương quyết định rời khỏi Khách sạn Musan bằng xe Tuk Tuk (một loại phương tiện giống với xe ba gác ở Việt Nam). “Quyết định rời khỏi Khách sạn Musan trong bối cảnh giao tranh vẫn đang diễn ra ác liệt là một trong những quyết định khó khăn nhất trong đời tôi”, Đại úy Trần Nam Phương chia sẻ. 

/UploadStore/admin/230615 Nam Phuong/Picture1.png

Đại úy Trần Nam Phương rời Khách sạn Musan bằng xe Tuk Tuk

Di chuyển giữa “mưa bom, bão đạn” là trải nghiệm không bao giờ quên của người lính mũ nồi xanh Việt Nam. “Trên đường phố Thủ đô Khartoum, khung cảnh trở nên hỗn loạn, cướp bóc tràn lan, tiếng súng nổ và đạn pháo hầu như không lúc nào ngớt”, Đại úy Trần Nam Phương nhớ lại. Rất may mắn cho anh khi quãng đường di chuyển không quá xa, chỉ sau 20 phút, anh đã đến được Khách sạn Al Salam, nơi anh cảm thấy yên tâm hơn về khả năng bảo đảm an ninh, an toàn cũng như các điều kiện phục vụ nhu cầu tối thiểu hằng ngày.

Gần một tuần tại Khách sạn Al Salam, điện, nước, internet và thực phẩm được đảm bảo tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, làm thế nào để thoát khỏi vùng chiến sự cách xa Tổ quốc gần 8.000 ki-lô-mét vẫn là một thách thức nan giải đối với Sĩ quan GGHB Việt Nam. Kế hoạch giải cứu nhân viên của Phái bộ UNISFA và LHQ liên tục được TCT Abyei cập nhật đến Đại úy Trần Nam Phương, song tính khả thi là không cao khi xung đột chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Sau những nỗ lực đàm phán của LHQ với Quân đội Chính phủ và Lực lượng Hỗ trợ nhanh Sudan nhằm di tản toàn bộ nhân viên LHQ và gia đình ra khỏi Thủ đô Khartoum, sáng ngày 23/4, Đại úy Trần Nam Phương bất ngờ nhận lệnh di chuyển bằng đường bộ từ Khách sạn Al Salam đến thành phố Port Sudan – một thành phố cảng nằm ở đông bắc Cộng hòa Sudan, giáp Biển Đỏ. Hàng trăm chiếc ô tô các loại chở hơn 1.000 nhân viên LHQ và gia đình bắt đầu hành trình rong ruổi gần 900 ki-lô-mét để đến được khu vực tạm được cho là an toàn hơn. “Tất cả mọi người ai cũng lo lắng bởi quãng đường di chuyển rất xa, lại còn trong điều kiện hết sức nguy hiểm”, Đại úy Trần Nam Phương kể lại. 

/UploadStore/admin/230615 Nam Phuong/Picture2.png

Hàng trăm phương tiện chở hàng nghìn nhân viên LHQ và gia đình sơ tán khỏi Thủ đô Khartoum 

Sinh ra và lớn lên trong thời bình, đây lần đầu tiên Đại úy Trần Nam Phương được tận mắt chứng kiến dòng người tị nạn do xung đột, chiến tranh. Tất cả mọi người, từ nhân viên LHQ cho đến người già, phụ nữ, trẻ em đều tất bật, hối hả, tất cả đều thấp thỏm, lo âu. Hơn 36 giờ lái xe băng qua các vùng sa mạc hẻo lánh, những làng quê nghèo hoang vắng, trưa ngày 24/4, Đại úy Trần Nam Phương cùng các thành viên trong đoàn đến được thành phố Port Sudan. 

Sau 05 ngày chờ đợi bước tiếp theo của Kế hoạch giải cứu tại thành phố Port Sudan, ngày 28/4, Đại úy Trần Nam Phương nhận lệnh tiếp tục lên đường. Lần này, anh được “trải nghiệm” di chuyển bằng phà. Do số lượng nhân viên LHQ và người nhà rất đông, không thể sắp xếp đủ giường để nghỉ ngơi, rất nhiều người phải nằm trên boong phà; thức ăn và nước uống hoàn toàn phải tự túc. 

/UploadStore/admin/230615 Nam Phuong/PHOTO-2023-06-14-09-02-52-4.jpg

Đoàn nhân viên LHQ xếp hàng lên phà di chuyển từ Port Sudan

Là cán bộ trưởng thành từ Lực lượng Cảnh sát biển, Đại úy Trần Nam Phương đã quá quen thuộc với những chuyến đi biển, nhưng đối với nhiều thành viên trong đoàn, nhất là người già và trẻ nhỏ, trải nghiệm này thật không mấy dễ chịu. Gần 20 giờ lênh đênh trên Biển Đỏ, chuyến phà chở Đại úy Trần Nam Phương và các thành viên trong đoàn cập bến Cảng Jeddah, thành phố Jeddah, Vương quốc Ả Rập Xê Út.

/UploadStore/admin/230615 Nam Phuong/PHOTO-2023-06-14-09-02-52-5.jpg

20 giờ lênh đênh trên Biển Đỏ

Từ thành phố cảng châu Á, Đại úy Trần Nam Phương tiếp tục phải chờ đợi LHQ tiến hành đàm phán với Chính phủ Nam Sudan về vấn đề cấp thị thực cho nhân viên LHQ nhập cảnh Khu vực Abyei, nhưng những mối nguy hiểm, đe dọa từ cuộc xung đột tại Thủ đô Khartoum đã không còn thường trực trong tâm trí người lính GGHB Việt Nam. Như trút bỏ được gánh nặng, anh chia sẻ: “Đến được Port Sudan, tôi cảm giác như được sống lại thêm một lần nữa”. 

Thêm một tuần chờ đợi và tiến hành di chuyển theo sự sắp xếp của LHQ, ngày 04/5/2023, sau gần một tháng kể từ ngày rời Việt Nam, Đại úy Trần Nam Phương chính thức đặt chân đến Sở Chỉ huy Phái bộ UNISFA – Khu vực Abyei, khép lại một hành trình với muôn vàn khó khăn, vất vả, hiểm nguy. Được tận mắt chứng kiến, cảm nhận và đồng cảm với những thương đau, mất mát gây ra bởi chiến tranh, xung đột sẽ là hành trang quý giá, là động lực lớn lao để người lính mũ nồi xanh Việt Nam nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong nhiệm kỳ công tác, góp phần nhỏ bé mang lại hòa bình, ổn định lâu dài cho người dân Khu vực Abyei. 

HUY TRƯỜNG, KHÁNH AN (từ Phái bộ UNISFA – Khu vực Abyei)

1 – Sáng ngày 15/4/2023, tại Thủ đô Khartoum đã nổ ra các cuộc đụng độ, giao tranh dữ dội bằng nhiều loại vũ khí hạng nặng và hạng nhẹ giữa Quân đội Chính phủ Sudan và lực lượng bán quân sự Sudan (được gọi là Lực lượng Hỗ trợ nhanh). Ngay sau khi giao tranh nổ ra, Lực lượng Hỗ trợ nhanh đã giành quyền kiểm soát một số khu vực trọng yếu tại Thủ đô Khartoum, trong đó có Phủ Tổng thống và Sân bay quốc tế Khartoum. Các cuộc đấu súng dữ dội tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực của Thủ đô Khartoum và vùng ngoại ô, đặc biệt là khu vực gần trụ sở Quân đội Sudan và Bộ Quốc phòng. Để giành lại các vị trí quan trọng, Quân đội Sudan đã huy động chiến đấu cơ, xe tăng, xe bọc thép để tấn công căn cứ Lực lượng Hỗ trợ nhanh. Đến thời điểm hiện tại, sau những nỗ lực đàm phán, hòa giải của quốc tế, cuộc xung đột giữa hai lực lượng này vẫn chưa có hồi kết. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Lễ trao Huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tặng Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 6

08/05/2025

Nhằm ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 6 Việt Nam cho sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) mới đây đã tổ chức Lễ trao Huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tặng toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 6.

Từ nơi xa tổ quốc – trái tim người lính vẫn hướng về ngày thống nhất

30/04/2025

Giữa những vùng đất xa xôi, nơi màu áo xanh mũ nồi xanh đang hiện diện dưới lá cờ Liên Hợp Quốc, có những người sĩ quan Việt Nam vẫn ngày đêm âm thầm cống hiến vì sứ mệnh gìn giữ hòa bình.

Đội Công binh Việt Nam tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

29/04/2025

Ngày 29/4, tại căn cứ Highway thuộc Phái bộ an ninh lâm thời Liên hợp quốc tại Abyei (châu Phi), Đội Công binh số 3 Việt Nam đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Bạn bè quốc tế chung vui kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam

29/04/2025

Ngày 29-4, tại căn cứ Highway thuộc Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc ở khu vực Abyei (UNISFA), Đội Công binh số 3 Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đoàn cứu nạn, cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam tặng vật phẩm cứu trợ cho Myanmar

07/04/2025

Ngày 7/4, Đoàn cứu nạn, cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến hành trao tặng nhu yếu phẩm, thuốc men và các vật dụng thiết yếu cho nước bạn Myanmar.

Thư viện ảnh

Hoạt động Gìn Giữ Hòa Bình

Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission

Việt Nam

Phái bộ GGHB LHQ

Phái bộ có lực lượng Việt Nam