Dấu ấn chặng đường 10 năm lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam
Ngày 27-5-2014 đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng với lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam khi Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, tiền thân của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam hiện nay, chính thức ra mắt.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày truyền thống Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (27-5-2014 / 27-5-2024), Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn với Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Phóng viên: Thưa Đại tá Phạm Mạnh Thắng, ngày 27-5-2014, Bộ Quốc phòng ra mắt Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam. Gần 4 năm sau, Trung tâm đã được nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa quan trọng của dấu mốc này?
Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Việc thành lập Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam trên cơ sở Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một xu thế tất yếu. Sau 4 năm triển khai lực lượng, chúng ta đã có những bước trưởng thành và đạt được những kết quả nhất định. Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã góp phần cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, nhất là về đối ngoại quốc phòng.
Khoảng thời gian gần 4 năm đó cũng cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, thúc đẩy sứ mệnh và trách nhiệm quan trọng của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam với vai trò là cơ quan tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong triển khai một lực lượng mới trong một xu thế phát triển mới. Thực tế 10 năm qua, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò đó.
Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Việc nâng cấp từ Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một dấu ấn quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi trên nhiều mặt, đặc biệt là trong việc xây dựng các cơ sở pháp lý cho hoạt động gìn giữ hòa bình của lực lượng vũ trang. Chúng ta đã tham mưu, đề xuất để Quốc hội thông qua Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, quy định về triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam nói chung và của Bộ Quốc phòng nói riêng.
Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình hình thành, phát triển lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam?
Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Trước tiên là nói về thuận lợi. Thứ nhất là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thủ trưởng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Nhờ đó, chúng ta đã điều chỉnh lại được biểu biên chế cho phù hợp với công tác xây dựng lực lượng cũng như công tác triển khai, công tác chỉ đạo lực lượng tại phái bộ.
Thứ hai là sự hỗ trợ của các bộ, ngành, đặc biệt là thông qua Tổ công tác liên ngành và Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc triển khai lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Thứ ba là Cục luôn được các cơ quan, đơn vị trong toàn quân ủng hộ, cung cấp những cán bộ, những quân nhân có những phẩm chất, năng lực cũng như trình độ chuyên môn và sức khỏe tốt, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Thuận lợi tiếp theo là chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ tốt, bảo đảm chuẩn bị lực lượng tốt nhất tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở cả hình thức cá nhân và đơn vị.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn do đây là một lực lượng mới, một lĩnh vực hoàn toàn mới. Khó khăn trước tiên là vấn đề ngôn ngữ. Trước khi được triển khai tới địa bàn thì lực lượng triển khai phải có trình độ về ngoại ngữ đạt tối thiểu 5.5 IELTS theo yêu cầu của Liên hợp quốc.
Khó khăn thứ hai là vấn đề bảo đảm sức khỏe khi làm việc tại môi trường đa quốc gia, địa bàn hoàn toàn mới, có những thách thức về an ninh, về dịch bệnh. Khó khăn thứ ba là trình độ của cán bộ còn chưa đồng đều.
Do vậy, trong quá trình triển khai lực lượng, chúng tôi phải sàng lọc thường xuyên để làm sao lựa chọn được những cán bộ tốt nhất, đủ phẩm chất chính trị, đủ năng lực đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Một khó khăn nữa có lẽ cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý lực lượng được triển khai, đặc biệt là đối với các đồng chí nữ quân nhân. Đó là điều kiện làm việc xa nhà, ở những nơi còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, có thể nói, chúng tôi rất tự hào về đội ngũ cán bộ, đảng viên của mình. Các đồng chí luôn thể hiện một quyết tâm cao, luôn vững vàng, yên tâm công tác và sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Trong quá trình triển khai lực lượng tới địa bàn, Đảng ủy, Chỉ huy Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất về chính sách hậu phương gia đình, đặc biệt là đối với các đơn vị như Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh.
Huấn luyện tiền triển khai là một nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm lực lượng triển khai đến phái bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phóng viên: Công tác huấn luyện có vai trò quan trọng, bảo đảm lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam luôn sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ tại phái bộ Liên hợp quốc. Xin đồng chí chia sẻ đôi điều về công tác huấn luyện của Cục?
Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Trung tâm huấn luyện của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã được bạn bè quốc tế, đặc biệt là lãnh đạo Liên hợp quốc đánh giá rất cao. Tháng 6-2018, Liên hợp quốc đã chính thức công nhận Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong 4 trung tâm huấn luyện quốc tế mạnh ở khu vực, triển khai huấn luyện theo Chương trình đối tác 3 bên.
Trong quá trình huấn luyện, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 175, Binh chủng Công binh và nhiều đơn vị trong toàn quân. Khi trở thành một phần của lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các đồng chí phải có một trình độ chuyên môn nhất định và qua các kỳ thi sát hạch tại các đơn vị. Ví dụ, trước khi tập trung về Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, các đồng chí trong đội hình Đội Công binh đã trải qua 6 tháng tập huấn chuyên môn. Lực lượng của Học viện Quân y và Bệnh viện Quân y 175 cũng đều được huấn luyện 6 tháng trước khi về Cục. Tiếp sau đó, tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, các đơn vị đều phải qua 3 tháng huấn luyện tiền triển khai theo các quy định của Liên hợp quốc.
Về nội dung huấn luyện, ngoài chuyên môn, chúng tôi còn huấn luyện, trang bị cho các quân nhân kiến thức về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, luật quốc tế, luật nhân đạo, các quy định của nước sở tại, luật pháp Việt Nam, quy định của Liên hợp quốc, chính trị tư tưởng, bảo đảm khi các đồng chí lên đường là đã được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết.
Tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, hằng năm chúng tôi triển khai hàng chục khóa huấn luyện quốc tế, tiếp nhận hàng trăm học viên quốc tế và giảng viên quốc tế đến tham gia huấn luyện và học tập. Trong công tác huấn luyện, chúng tôi cũng phối hợp với các đối tác quốc tế để cử cán bộ của ta tham gia các khóa tập huấn luyện, các khóa bồi dưỡng kiến thức tại nước ngoài, giúp tăng cường trình độ chuyên môn cho mỗi cán bộ khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đặc biệt là ở các vị trí cá nhân.
Đến nay, 100% đồng chí tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân đều khẳng định được vai trò cũng như năng lực, tính chuyên nghiệp của quân nhân Việt Nam.
Đại tá Mạc Đức Trọng (trái), Phó cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, trên cương vị Đội trưởng Đội Công binh số 1 đón chỉ huy Phái bộ UNISFA đến thăm đơn vị. Ảnh: Đội Công binh số 1
Phóng viên: Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và được bạn bè quốc tế cũng như các chỉ huy phái bộ, lãnh đạo Liên hợp quốc đánh giá cao. Đồng chí có thể khái quát những thành tựu chính của lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam nói chung và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam nói riêng trong hành trình 10 năm vừa qua?
Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Trong 10 năm qua, tính đến tháng 5-2024, chúng ta đã triển khai được hơn 800 lượt quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó có 114 đồng chí triển khai theo diện cá nhân. Đó là một con số ấn tượng.
Tỷ lệ nữ quân nhân cũng rất cao, đạt 16,6%, được Liên hợp quốc ghi nhận. Chúng ta cũng đã phát triển từ hình thức cá nhân lên hình thức đơn vị với biên chế Bệnh viện dã chiến cấp 2 gồm 63 đồng chí và Đội Công binh gồm 184 đồng chí.
Trong tháng 9 này, chúng ta sẽ tiếp tục triển khai thê đội thứ 6 của Bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Bentiu, Nam Sudan và thê đội thứ 3 của Đội Công binh tới khu vực Abyei. Như vậy là qua 10 năm, hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của chúng ta là rất lớn.
Về sĩ quan triển khai theo diện cá nhân, chúng ta tham gia ở rất nhiều vị trí, như sĩ quan cao cấp, sĩ quan tham mưu, sĩ quan hậu cần, sĩ quan thông tin, sĩ quan quân-dân phối hợp. Chúng ta cũng cử được các sĩ quan tới làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York. Đây là những vị trí đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao và chúng ta đã đáp ứng được tất cả những yêu cầu đó.
Lễ xuất quân Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ngày 27-4-2022. Ảnh: qdnd.vn
Phóng viên: Trước dấu mốc kỷ niệm 10 năm Ngày truyền thống Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, xin đồng chí chia sẻ cảm xúc của mình về sự kiện này?
Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm và đã đạt được nhiều thành tích trong chặng đường 10 năm qua. Đến nay, hình ảnh người chiến sĩ “mũ nồi xanh” đã và đang có sức lan tỏa rất lớn không chỉ đối với người dân trong nước, mà còn đối với cả bạn bè quốc tế và người dân địa phương các nước có lực lượng của ta triển khai.
Trong niềm tự hào đó, chúng tôi thấy mình càng cần phải tiếp tục phát huy trách nhiệm trong thời gian tới, làm sao giữ vững và phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được thời gian qua.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Theo BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Huấn luyện cấp cứu trong chiến đấu cho lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam
25/11/2024Ngày 25-11, tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc Khóa huấn luyện Cấp cứu cấp độ 1 trong chiến đấu năm 2024 do Pháp hỗ trợ cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) của Việt Nam.
Quân khu 1 gặp mặt, biểu dương lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
14/11/2024Chiều 14-11, Quân khu 1 tổ chức gặp mặt, biểu dương 28 đồng chí tham gia Đội Công binh số 2 làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei. Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó tư lệnh Quân khu 1 chủ trì buổi gặp mặt.
Sĩ quan gìn giữ hòa bình huấn luyện Luật Nhân đạo Quốc tế và nhận biết vật liệu nổ
12/11/2024Ngày 12-11, tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã khai mạc Khóa huấn luyện Luật Nhân đạo Quốc tế và nhận biết vật liệu chưa nổ cho sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân năm 2024, do Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) hỗ trợ.
Triển lãm ảnh “Nữ quân nhân Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”
25/10/2024Sáng 25-10, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh “Nữ quân nhân Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”.
Chuyên gia Pháp chia sẻ kinh nghiệm lái xe hai cầu cho sĩ quan gìn giữ hòa bình của Việt Nam
24/10/2024Sáng 24-10, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Pháp tại Việt Nam tổ chức khai mạc Khóa huấn luyện lái xe hai cầu cho hơn 30 sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân năm 2024.