Còn sức, còn bước tới!
Boali, Cộng hoà Trung Phi, ngày 18/03/2022. Dứt khoảnh khắc đếm ngược là một tiếng nổ dữ dội, cùng một cột khói cao ngút xuất hiện ngay sau quầng lửa rực sáng. Cho dù đứng ở một khoảng cách an toàn, tôi vẫn phải nín thở, mím môi, tay giữ chặt máy quay để ghi lại những thước phim và hình ảnh chân thực nhất. Buổi xử lý vật liệu nổ diễn ra an toàn, thành công, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.
Tôi là Vũ Nhật Hương, từng là Sĩ quan Truyền thông, Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, Cộng hoà Trung Phi (MINUSCA, nhiệm kỳ 2021-2022).
1.Trước đó sáu giờ đồng hồ, khi có tin báo phát hiện ba vật thể nghi là vật liệu nổ tại Boali, Phân khu Trung tâm, cách Thủ đô Bangui 60km, tôi nhận được câu hỏi của Trưởng phòng Truyền thông: “Sẽ là một thử thách lớn đấy, bạn có muốn tham gia không?”. “Sẵn sàng!”, câu trả lời bật ra trong tích tắc.
Và thế là chúng tôi lên đường. Tốc độ của đoàn bị hạn chế rất nhiều do chất lượng đường xá, cũng như để bảo đảm an toàn. Là thành viên nữ duy nhất trong đội hình 30 người, nhiệm vụ của tôi là ghi lại những hình ảnh xử lý chất nổ tại hiện trường. Tôi xung phong được theo sát hành trình, trong sự ngỡ ngàng của đội hình nam Công binh Indonesia. Tuy nhiên, tôi phải ở một khoảng cách an toàn, chỉ đủ để quan sát thật kỹ sự nguy hiểm của vật liệu nổ.
Về đến Việt Nam rồi, những chuyến di chuyển bằng trực thăng không đóng cửa (để thành viên tổ bay có đủ tầm nhìn quan sát an ninh) cũng là trải nghiệm mà tôi vẫn luôn “nhung nhớ”. Dù được đeo đến hai chiếc đai bảo hiểm, những lần tăng giảm độ cao vẫn khiến cơ thể hẫng hụt, chới với. Chẳng thế mà, trước mỗi chuyến đi, những thành viên nữ như chúng tôi luôn được hỏi kỹ về thể lực. Dù vậy, tôi vẫn luôn có mặt. Đơn giản, tôi chỉ có một năm để chạm vào và giữ lấy cho mình những trải nghiệm đáng giá.
Ảnh 1: Hình ảnh nữ sĩ quan Việt Nam được đăng tải trong một bài viết của Tạp chí Quân sự Quý I/2022 tại Phái bộ GGHB LHQ Cộng hoà Trung Phi
2. Tuy nhiên, tôi vẫn… ghen tị, với những người nữ đồng đội của mình. Đơn cử, Trung tá Vũ Thị Oanh, từng đảm nhiệm vị trí Quan sát viên quân sự (QSVQS) tại Phái bộ Nam Sudan (UNMISS), người sở hữu cả “một kho” ký ức.
“Chuyến tuần tra ngày 30/12/2021 trên tuyến biên giới bang Trung Xích đạo, Nam Sudan bắt đầu từ 9h sáng. Quãng đường chỉ 25km, nhưng phải qua bốn chốt kiểm soát (CP). Thường, cứ trình SOI (giấy chứng nhận) rồi thương lượng mấy câu là được qua”, chị Oanh hồi tưởng.
“Tuy nhiên, đường về, cách nơi đóng quân quãng chừng 5-7km, đoàn xe tuần tra bị chặn lại. Là một QSVQS, như thường lệ, tôi xuống xe, cùng với chỉ huy và một số thành viên đoàn hộ tống tiến lên phía trước để vào CP, nhưng phải khựng lại trước một hàng họng súng. “Chỉ một mình cô kia (chỉ vào tôi) vào, còn tất cả dừng lại, chờ ở đây, không được vào!”. Sau một vài phút, tôi quyết định làm theo yêu cầu của họ.
Đoạn đường từ chỗ đoàn xe đỗ vào tới lán chỉ huy khoảng gần một km. Vừa đi, tôi vừa nghĩ ra rất nhiều tình huống xấu: “Nào là không đem theo đồ phòng vệ, không vũ khí, không điện thoại…, đang đi bị họ bắt cóc thì sao, đội hộ tống có súng lại đứng cách xa thế làm sao liên lạc được, vào gặp chỉ huy của họ sẽ như thế nào...?”. Tôi tìm cách trấn tĩnh bằng việc gặp nhóm lính nào trên đường đi cũng chào hỏi vui vẻ. Thấy có nhóm lính đang chơi trò chơi kiểu như "ô ăn quan" của Việt Nam mình, tôi đứng lại giao lưu. Nhóm lính rất vui khi thấy tôi biết tên gọi trò chơi này của họ là "Mugo"-kinh nghiệm có được từ một chuyến tuần tra trước đó. Đi sâu vào trong, có một cái lán khoảng gần 20 lính khác đang chơi bài. Cảm giác lo lắng ban đầu đã chuyển sang hoảng sợ.
Chỉ huy của họ đã ngồi chờ sẵn ở đó. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh để chào hỏi vui vẻ, và đương nhiên tôi cố tình nhấn mạnh mình là người Việt Nam. Kinh nghiệm qua nhiều chuyến tuần tra cho thấy đa số người dân Nam Sudan ngưỡng mộ và đánh giá cao bề dày truyền thống lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, và họ có thiện cảm với người Việt Nam. Tuy nhiên, mặt viên chỉ huy vẫn lạnh như tiền.
Anh ta hỏi: “Sáng nay Đoàn tuần tra đi qua tại sao không vào trình SOI?”. Tôi chợt nhớ ra, sáng nay, đoàn đã lưỡng lự nhưng không thấy có dây chắn đường, không có lính gác nên cứ thế đi. Tôi nhận lỗi trước, rồi giải thích: “Tôi là người mới đến thực hiện nhiệm vụ, lần đầu tiên đi tuần tra trên tuyến này, chỉ huy của đoàn hộ tống cũng là người mới....”. Thấy vậy, viên chỉ huy chấp thuận. Ra đến chỗ đoàn xe đang đứng chờ mà vẫn còn run. Những hàng lính tay vẫn lăm lăm súng, đạn đã lên nòng”.
Rồi chuyến đi tuần tra dài ngày từ 13-18/6/2022. Điểm đến là KajoKeji, tỉnh biên giới Nam Sudan cách thủ đô Juba khoảng 150 km, đường cực kỳ xấu. “Chiều 13/6, đoàn đi được quá nửa phần đường thì phải dừng lại, cắm trại nghỉ qua đêm. Sáng 14/6, tôi nghĩ đồng nghiệp người Nigeria mệt, hơn nữa thấy đoạn đường có vẻ tốt hơn nên đề nghị lái xe thay bạn. Đi được khoảng 30 phút, xe trôi xuống rãnh. Rất may, lúc đó tốc độ không cao (khoảng 25km/h). Đội bảo vệ phải mất chừng 30 phút để kéo xe lên. Chỉ huy đội bảo vệ thở phào: “Bạn làm cho tim tôi suýt vỡ tung vì lo lắng”.
Rồi “Chuyến đi tuần ngày 9/11, tới Wunuliet, ngôi làng cách thủ đô Juba 35km, nơi có vị trí đóng quân của quân đội phe đối lập (SPLA-IO). Đội bảo vệ phải đứng ngoài cách sở chỉ huy chừng 500m. Còn lại tám người được phép vào trong. Trên đường vào, chúng tôi phải qua hai hàng lính vũ trang dữ dằn. Tôi chào xã giao. Họ không đáp lại, mặt vẫn lạnh như những bức tượng đồng đen.
Cuộc gặp kéo dài hai giờ đồng hồ, liên quan các vấn đề chính trị, xã hội, các quan điểm nhạy cảm giữa các phe phái của Nam Sudan. Do đó, trên cương vị QSVQS, tôi đã phải nghiên cứu kỹ trước tình hình để luôn thể hiện vị trí trung lập, không nghiêng về phe nào. Các QSVQS cũng cần phải hết sức thận trọng trong việc quan sát, phân tích và đánh giá tình hình, đúng với chức năng là “đôi tai và con mắt của phái bộ”. Một tia lửa thôi, cũng có thể tạo nên đám cháy”.
Bên cạnh chị Oanh, còn những người đồng đội khác của tôi, cả nam lẫn nữ, cũng luôn sẵn sàng đối diện với những nguy nan như thế. Đến độ, hầu như ai cũng có những khoảng thời gian dài phải chuẩn bị sẵn một chiếc túi xách để ở góc lều dã chiến, trong đó đã có đầy đủ những vật dụng cần thiết. Bởi, “khi còi báo động ngày nào cũng hú, mình luôn phải sẵn sàng, để có lệnh là lại lập tức lên đường” – Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh (phái bộ MINUSCA).
Ảnh 2: Một trong những chuyến công tác của Trung tá Vũ Thị Oanh tại Phái bộ GGHB LHQ Cộng hoà Nam Xu-đăng
3. “Biết rằng tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) là chắc chắn sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng, mà mình còn là phụ nữ “chân yếu tay mềm”, vậy tại sao chị vẫn quyết tâm xung phong?”, tôi hỏi chị Oanh, khi chợt nhớ đến chuyện chị Hạnh kể rằng ngày lên đường, chị đã bật khóc nức nở “đến không ai dỗ nổi”, vì thương các con ở nhà.
“Lý do trước tiên là tôi muốn thay đổi môi trường làm việc và cuộc sống thường nhật, để đến một nơi xa xôi chưa từng ghé. Nơi mà chỉ mới xem trên TV, thấy người ta nghèo khổ, lại xung đột liên miên, mình cũng muốn làm gì đó. Châu Phi cho tôi những trải nghiệm vô giá. Tới nhiều nơi trên đất nước Nam Sudan, tôi càng thấu hiểu và thấm thía giá trị của độc lập và hòa bình. Tôi cũng thật sự mong muốn hoà bình sẽ sớm đến với những người dân nơi này. Và tôi tự hào về đất nước mình biết bao.”, chị Oanh trải lòng.
Câu hỏi này, tôi cũng tự hỏi tôi. Nhất là khi trở về từ Cộng hoà Trung Phi, tôi vẫn canh cánh đâu đó một cảm giác tiếc nuối. Nhưng tôi biết, nếu được chọn lại, tôi chắc sẽ còn xung phong lên đường từ sớm hơn, nhiều năm về trước.
Ba mươi tuổi là độ tuổi mà nhiều phụ nữ bắt đầu dành mối bận tâm cho một cuộc sống gia đình riêng. Còn tuổi 30 của tôi lại dành trọn cho cơ hội được thử thách bản thân, mà cơ hội không phải lúc nào cũng ở đó chờ mình. Hơn hết, tôi cũng muốn thông qua vị trí được tin tưởng lựa chọn, để làm đẹp hơn hình ảnh người “bộ đội Cụ Hồ” trong mắt bạn bè quốc tế.
Đơn giản lắm, dù là phụ nữ hay nam giới, những người lính Việt Nam còn sức là còn muốn tiến lên!
Thượng uý Sa Minh Ngọc, Cán bộ triển khai Đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, phái bộ UNMISS:
Mỗi quân nhân khi được triển khai tới Phái bộ GGHB LHQ đều mang trong mình sứ mệnh đầu tiên là hoàn thành các công việc được đảm nhiệm, tiếp đến là làm đẹp hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế và người dân bản địa, thông qua cách phối hợp công việc, các chương trình giao lưu văn hoá cũng như tham gia các hoạt động thiện nguyện trong vai trò là một sĩ quan LHQ. Từ đó, họ biết đến Việt Nam là một đất nước hoà bình, nhân ái.
Một người đồng nghiệp của tôi từng chia sẻ: “Khoảnh khắc đáng tự hào nhất là khi người dân bản địa, trẻ em thi nhau chạm tay vào lá cờ Tổ quốc mà chúng tôi mang theo trên đường hành quân, là khi các em tập phát âm và hô to hai tiếng “Việt Nam!”, hay là khi nhận được những lời động viên vô giá từ quê nhà”.
HƯƠNG VŨ
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Giao lưu chủ đề "Giá trị của hoà bình" giữa các sĩ quan GGHB Việt Nam với Thầy trò trường THCS Ngô Sĩ Liên
05/05/2023Sáng ngày 05/5/2023, Thầy và trò trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên đã có buổi Giao lưu với các Sĩ quan Cục Gìn Giữ Hòa Bình Việt Nam với chủ đề "Giá trị của hòa bình". Tới dự buổi giao lưu có đồng chí Thượng tá Nguyễn Việt Hưng, Nguyên Quan sát viên Quân sự tại Phái bộ Gìn Giữ Hòa Bình Liên hợp quốc Cộng hoà Nam Xu-đăng (UNMISS), nhiệm kỳ 2016-2017; Thiếu tá Nguyễn Văn Thứ, Nguyên Sĩ quan Tham mưu Hậu cần tại Phái bộ Gìn Giữ Hòa Bình Liên hợp quốc, Khu vực Abyei (UNISFA), nhiệm kỳ 2022-2023; và Đại uý Vũ Nhật Hương, Nguyên Sĩ quan Truyền thông tại Phái bộ Gìn Giữ Hòa Bình Liên hợp quốc Cộng hoà Trung Phi (MINUSCA), nhiệm kỳ 2021-2022. Chương trình có ý nghĩa nhằm giáo dục cho học sinh về giá trị của hòa bình, về sự thấu hiểu, sẻ chia và có những suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi người trong việc gìn giữ hòa bình hôm nay. Bên cạnh đó, giáo dục tới các thế hệ trẻ về lòng biết ơn và trân trọng cuộc sống hoà bình quê hương.
Cục GGHB Việt Nam phối hợp, tổ chức thành công buổi làm việc và giao lưu với Đoàn cán bộ, giảng viên và sinh viên Học viện Ngoại giao
20/04/2023Sáng ngày 20/4/2023 Cục Gìn giữ hoà bình (GGHB) Việt Nam tổ chức buổi tiếp đón, làm việc,giao lưu với giảng viên và các sinh viên của Học viện Ngoại giao. Đồng chí Thượng tá Phạm Tân Phong, Phó Cục trưởng chủ trì buổi làm việc và giao lưu, cùng tham gia có các đồng chí Chỉ huy, cán bộ thuộc Cục GGHB Việt Nam, các đồng chí cán bộ, công nhân viên thuộc Đội Công binh số 2 và đặc biệt là các đồng chí cán bộ vừa kết thúc nhiệm kỳ tại các Phái bộ, cán bộ chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới. Đại diện Học viện Ngoại giao có sự tham dự của Tiến sĩ Lê Ngọc Hân, Phó Trưởng khoa Chính trị quốc tế và ngoại giao cùng tập thể sinh viên Lớp CT47C1.
“Ngày thương yêu” tri ân những “đóa hồng xanh” của lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam
08/03/2023Ngày 08/3, Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam đặc biệt tổ chức chương trình giao lưu “Ngày thương yêu” trong khuôn khổ Chào mừng Kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 – 08/3/2023). Dự và chỉ đạo chương trình có Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng - Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam, tham dự còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Chỉ huy Cục GGHB Việt Nam cùng lãnh đạo các phòng, ban tại Cục. Đặc biệt hơn cả, chương trình có sự góp mặt của hơn 30 nữ cán bộ, sĩ quan, Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) đang công tác tại Cục GGHB Việt Nam và Đội Công binh số 2, cùng gần 200 thành viên của Đội Công binh số 2 chuẩn bị triển khai tại phái bộ GGHB Liên hợp quốc (LHQ).
“Ngày bình thường” đặc biệt tại Bangui
18/01/2023Chiều 30 Tết ở Việt Nam, hẳn ai trong chúng tôi cũng sẽ “chạy xuôi chạy ngược” đi lo mua sắm đồ bày biện ban thờ, trang trí nhà cửa, ngắm chọn cành đào, cây quất hay chuẩn bị mâm cơm tất niên cùng gia đình… Hoặc “nhã” hơn và thư thả hơn, tôi vẫn tận hưởng thói quen đạp xe vòng quanh Bờ Hồ, với chiếc tai phone, nghe mê mải các bài hát về Hà Nội. Nhưng năm nay, năm anh em của Tổ công tác lại đón Tết trong phiên bản của một ngày bình thường. Và vì vậy, chúng tôi biến những điều bình thường trở nên đặc biệt.