Dấu ấn trong chặng đường 80 năm của Quân đội ta: Hợp tác, liên minh chiến đấu, tăng cường đối ngoại quốc phòng và tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

19/12/2024

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện liên minh chiến đấu với Quân đội cách mạng các nước Lào, Campuchia, hợp tác chi viện lẫn nhau với Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc vì sự phát triển cách mạng của mỗi nước.

Đồng thời, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tăng cường hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ nhiều mặt của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, bạn bè quốc tế để xây dựng, phát triển thực lực Quân đội, phục vụ cho công cuộc kháng chiến thắng lợi và củng cố quốc phòng trong thời kỳ mới. 

Với Lào và Campuchia, xuất phát từ vị trí địa chiến lược của bán đảo Đông Dương, trước kẻ thù chung, phát huy truyền thống liên minh chiến đấu trong lịch sử, quân và dân ba nước đã tiếp tục liên minh cùng chiến đấu chống thực dân, đế quốc xâm lược.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các chuyên gia và các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đã sang giúp Lào, Campuchia xây dựng cơ sở cách mạng, các đơn vị vũ trang, mở rộng vùng giải phóng. Quá trình liên minh chiến đấu, Quân đội cách mạng ba nước đã phối hợp tiến hành nhiều đợt hoạt động, nhiều chiến dịch diệt lực lực lượng kẻ thù, đưa sự nghiệp cách mạng của mỗi nước ngày càng phát triển. Những năm 1953-1954, lực lượng vũ trang cách mạng ba nước phối hợp hoạt động ở cả ba chiến trường, tạo sức mạnh tổng hợp khiến quân Pháp chịu nhiều tổn thất, nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ, phải ký kết Hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh, cam kết lập lại hòa bình ở ba nước Đông Dương.

/UploadStore/admin/241219 Chang duong 80 nam QDND VN/01.jpg

Đại hội Liên minh Việt-Miên-Lào tại Việt Bắc năm 1951. Ảnh tư liệu

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), liên minh chiến đấu giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và các lực lượng vũ trang cách mạng Lào và Campuchia càng chặt chẽ, hiệu quả, đóng góp quan trọng vào công cuộc kháng chiến của mỗi nước. Quá trình kháng chiến, Quân đội nhân dân Việt Nam - Quân giải phóng miền Nam Việt Nam còn phối hợp với các lực lượng Quân đội cách mạng Lào và Campuchia tiến hành nhiều chiến dịch tiêu diệt quân địch, phát triển kháng chiến ở các nước này. Thành quả tiêu biểu nhất của sự phối hợp, liên minh chiến đấu này là hoạt động của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với quân và dân Lào, Campuchia giải phóng nhiều vùng rộng lớn, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc mở tuyến chi viện chiến lược mở rộng, lấy vận tải cơ giới là chính, “lật cánh” sang phía Tây Trường Sơn trên đất Lào, rồi vươn tới vùng ba biên giới ở Đông Nam tỉnh Attapeu và vùng Đông Bắc Campuchia, xuống Nam Tây Nguyên nối với Khu 6, miền Đông Nam Bộ.

Từ năm 1970, với việc Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Trường Sơn trở thành chiến trường chung của quân và dân ba nước Đông Dương. Quân đội nhân dân Việt Nam giúp đỡ và phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng hai nước đánh bại các cuộc hành quân của Mỹ và tay sai, phát triển thực lực kháng chiến. Trong hai năm 1973 - 1974, tuyến vận tải chiến lược đã vận chuyển chi viện cho chiến trường Lào, Campuchia và miền Nam Việt Nam một khối lượng vật chất gấp 3,8 lần giai đoạn 1969 - 1972 và bằng 65,5% tổng khối lượng vận chuyển chi viện trong 17 năm trước đó (1955 - 1972), tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc cách mạng ở mỗi nước giành thắng lợi.

/UploadStore/admin/241219 Chang duong 80 nam QDND VN/02.jpg

Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (Trung Quốc). Ảnh tư liệu

Với cách mạng Trung Quốc, vốn có sự gắn bó từ những ngày các nhà cách mạng Việt Nam hoạt động tại đây. Năm 1949, dù cuộc kháng chiến ở Việt Nam còn rất khó khăn, lực lượng và trang bị còn hạn chế, song khi cách mạng Trung Quốc yêu cầu, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử lực lượng sang phối hợp tiến hành Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn thắng lợi. Bộ đội Việt Nam chiến đấu, anh dũng hy sinh để lại trong lòng quân và dân Trung Quốc những tình cảm tốt đẹp. Nghĩa trang liệt sĩ nơi an táng các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam được nhân dân Trung Quốc xây dựng và chăm sóc chu đáo, ghi nhớ công lao ấy. Sau khi Cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, từ năm 1950, với tinh thần quốc tế vô sản và phương châm giúp đỡ cuộc kháng chiến của Việt Nam cũng là giữ yên miền Nam Trung Quốc, Đảng, Chính phủ Trung Quốc đã cử cố vấn quân sự sang giúp đỡ, đồng thời viện trợ, chi viện nhiều vũ khí, trang bị, vật chất. Sự giúp đỡ về vũ khí trang bị, huấn luyện của Trung Quốc đã góp phần tăng cường sức mạnh cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Các cố vấn Trung Quốc đề xuất, phối hợp tham mưu, góp phần vào thắng lợi của một số chiến dịch, tiêu biểu nhất là Chiến dịch Biên Giới (1950) và Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc tiếp tục chi viện cho Quân đội nhân dân Việt Nam nhiều vật chất, vũ khí trang bị quan trọng. Một số đơn vị công binh sang giúp đỡ xây dựng đường sá và một số chuyên gia giúp huấn luyện sử dụng các vũ khí trang bị, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đồng thời, đối ngoại, hợp tác quốc phòng đã trở thành kênh quan trọng để tiếp nhận sự ủng hộ, giúp đỡ của một số nước bạn bè, anh em trên thế giới (Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa...) từ trang bị vũ khí, khí tài, hậu cần, quân y... đến cử cán bộ sang các nước học tập khoa học kỹ thuật và nâng cao trình độ lý luận chính trị quân sự, góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển Quân đội, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của cuộc kháng chiến, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thời kỳ đổi mới, với đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, xác định rõ đối tác, đối tượng, hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng ngày càng mở rộng và phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một nội dung quan trọng trong đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; phục vụ đắc lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Thực hiện quan điểm của Đảng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đối ngoại quốc phòng chủ động mở rộng quan hệ song phương với các nước trên thế giới.

Đến năm 2024, Quân đội nhân dân Việt Nam thiết lập quan hệ quốc phòng với quân đội hơn 100 nước, trong đó có 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Về cơ bản, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với tất cả đối tác chủ chốt; đã có 31 nước đặt Phòng Tùy viên quốc phòng thường trú tại Việt Nam và 20 nước kiêm nhiệm; Việt Nam đặt Phòng Tùy viên quốc phòng tại 32 nước, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu[1].

 /UploadStore/admin/241219 Chang duong 80 nam QDND VN/03.jpg

Các nữ quân nhân Đội Công binh Việt Nam với các em nhỏ ở khu vực Abyei.

Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước ngày càng đi vào chiều sâu với các nội dung, lĩnh vực hợp tác thiết thực, phù hợp với điều kiện, nhu cầu, lợi ích của Việt Nam và các nước đối tác, tập trung vào các lĩnh vực như trao đổi đoàn, các cơ chế tham vấn, đối thoại, đào tạo, hợp tác quân binh chủng, công nghiệp quốc phòng, quân y, cứu hộ - cứu nạn, tuần tra chung biên giới trên bộ, trên biển, giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; chủ động tham gia và tổ chức đăng cai các hội thao quân sự quốc tế, như, Hội thao Quân sự ASEAN; đạt hiệu quả cao trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh; xử lý ô nhiễm bom, mìn và chất độc da cam/dioxin, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa bàn trọng điểm trên cả nước.

Quân đội nhân dân Việt Nam từng bước tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Năm 2014, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được thành lập. Từ 2 sĩ quan đầu tiên được triển khai vào năm 2014 tới Nam Sudan, đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử hơn 800 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp theo hình thức cá nhân và đơn vị tại các phái bộ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và trụ sở Liên hợp quốc. 

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thực hiện chính sách “ngoại giao cây tre” của Đảng, đối ngoại quốc phòng Việt Nam mềm dẻo, mang tính chất hòa bình và tự vệ, luôn kiên trì giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; chủ động, quyết liệt ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Việt Nam nhất quán và kiên quyết thực hiện nguyên tắc “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việc kiên định thực hiện nguyên tắc “bốn không” trong đối ngoại quốc phòng thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong duy trì và giữ gìn môi trường hòa bình; đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định chung của khu vực và trên thế giới, được các nước tin tưởng, đánh giá cao. Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam nói chung, của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.


Theo BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

“Chiến sĩ Mũ nồi xanh” là những Đại sứ Hòa bình và Văn hóa của Việt Nam

26/12/2024

Không chỉ là những người lính bảo vệ hòa bình, các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam còn là những đại sứ văn hóa, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc. Nhìn lại hành trình 10 năm Việt Nam cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam khẳng định, với sự đào tạo nghiêm túc và một tinh thần kiên định cống hiến, những chiến sĩ mũ nồi xanh của chúng ta đã khắc sâu trong lòng bạn bè quốc tế hình ảnh những người lính dũng cảm, nhân ái, luôn sẵn sàng hy sinh vì hòa bình.

Giáo sư Carlyle Thayer: Quân đội Việt Nam đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước

22/12/2024

"Kể từ khi ra đời vào năm 1944, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã đóng vai trò to lớn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong mọi giai đoạn phát triển của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng đối với người dân Việt Nam, được người dân Việt Nam tôn kính gọi là Bác Hồ. Vì vậy, việc QĐND Việt Nam được gọi là Bộ đội Cụ Hồ mang ý nghĩa QĐND Việt Nam noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh cống hiến, hy sinh để bảo vệ đất nước Việt Nam", GS Carlyle Thayer tại Đại học New South Wales (Australia) khẳng định với phóng viên Báo QĐND.

Hành trình 80 năm vì hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam

22/12/2024

Trong suốt 80 năm qua, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã chứng tỏ là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, từ việc giành độc lập, phát triển và trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực, hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ), vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

20/12/2024

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22-12-1944/22-12-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989/22-12-2024), sáng 20-12, đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đến đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn (Hà Nội).

Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

20/12/2024

Sáng nay (20-12), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/ 22-12-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989/ 22-12-2024).

Thư viện ảnh

Hoạt động Gìn Giữ Hòa Bình

Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission

Việt Nam

Phái bộ GGHB LHQ

Phái bộ có lực lượng Việt Nam