Mở rộng sự tham gia của các quốc gia vào vấn đề an ninh toàn cầu
Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam vẫn chưa chính thức tham gia hoạt động quản lý khủng hoảng của EU.
Chiều 28/9, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) chủ trì, phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tổ chức buổi trao đổi kinh nghiệm về gìn giữ hòa bình, chính sách an ninh và phòng thủ chung theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng); Tiến sỹ Alison Weston, Trưởng phòng Phòng Đối tác và thỏa thuận, Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (European External Action Service) và Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti, đồng chủ trì buổi trao đổi kinh nghiệm. Cùng dự có các đại biểu của Việt Nam, Phái đoàn liên minh châu Âu (EU) và Tùy viên Quốc phòng một số nước EU.
Buổi trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường nhận thức, hiểu biết về các chính sách gìn giữ hòa bình và quản lý khủng hoảng; nâng cao năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hiểu biết về chính sách an ninh và phòng thủ chung của EU, cũng như thể hiện thiện chí của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác quốc phòng với EU; nâng cao trình độ, kiến thức cho nhân sự Việt Nam chuẩn bị tham gia Phái bộ Huấn luyện của EU tại Cộng hòa Trung Phi (EUTM RCA).
Theo Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti, đây cũng là cơ hội tăng năng lực, kinh nghiệm và những kiến thức hữu ích cho các quân nhân Việt Nam khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và hoạt động quản lý khủng hoảng theo chính sách an ninh-phòng thủ chung của EU.
Khẳng định vai trò của hoạt động gìn giữ hòa bình, Thiếu tướng Vũ Cương Quyết nhấn mạnh, đây là một cơ chế hợp tác đa phương về an ninh có tính chất và quy mô lớn nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu, do Liên hợp quốc dẫn dắt, góp phần xây dựng, kiến tạo hòa bình tại các quốc gia bản địa có sự hiện diện của phái bộ gìn giữ hòa bình; tạo môi trường để các quốc gia thành viên tham gia tăng cường hợp tác đa phương, song phương, nhằm củng cố lòng tin lẫn nhau, đi đến những hợp tác thực chất, hiệu quả, thông qua việc giúp đỡ, hỗ trợ nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm…
Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam vẫn chưa chính thức tham gia hoạt động quản lý khủng hoảng của EU và tiếp tục có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về chính sách an ninh và phòng thủ chung.
Theo Thiếu tướng Vũ Cương Quyết, Việt Nam thấy được sự hỗ trợ hiệu quả của chính sách an ninh và phòng thủ chung của EU và đang từng bước nghiên cứu, tìm hiểu, cũng như sẽ cử nhân sự tham gia trực tiếp vào hoạt động quản lý khủng hoảng của EU trong thời gian tới, trước mắt là tại Phái bộ Huấn luyện của EU tại Cộng hòa Trung Phi.
Các nữ sỹ quan, quân nhân Việt Nam đã và đang chuẩn bị tham gia lực Gìn giữ hòa bình. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Thượng tá Phạm Tân Phong, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho rằng với tinh thần đưa hợp tác quốc phòng trở thành trụ cột của mối quan hệ song phương, Việt Nam và Liên minh châu Âu luôn thể hiện thiện chí, cam kết của mình về việc xây dựng nền hòa bình, an ninh trong khu vực cũng như toàn cầu; trong đó bao gồm việc ký kết Thỏa thuận Khung về sự tham gia vào Hoạt động khủng hoảng (FPA).
Với sự nỗ lực đóng góp của mỗi bên, Việt Nam và EU đã và đang xây dựng mối quan hệ bền vững dựa trên các nguyên tắc chung mà hai bên đã ký kết. Buổi trao đổi kinh nghiệm lần này là dịp để hai bên có thể tiếp tục thực hiện tốt các mối quan hệ bền vững trong tương lai, hiểu rõ hơn về tầm nhìn, định hướng chiến lược của mỗi bên.
Buổi trao đổi kinh nghiệm xoay quanh hai chủ đề chính với hai phiên thuyết trình, thảo luận.
Phiên 1: Tiếng nói từ thực địa, gồm một số bài thuyết trình của các diễn giả đến từ EU. Phiên 2: Chia sẻ kinh nghiệm, các ưu tiên và tầm nhìn trong dài hạn của Việt Nam về lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, với hai bài thuyết trình của diễn giả đến từ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Thông qua sự trao đổi, thảo luận cụ thể, thẳng thắn và những đề nghị, tư vấn đầy trách nhiệm, thiện chí, các diễn giả phía EU đã chia sẻ để Việt Nam hiểu rõ hơn về hoạt động quản lý khủng hoảng và kinh nghiệm thực tiễn tại các địa bàn khác nhau; đồng thời, phía Việt Nam cũng chia sẻ về kinh nghiệm và tầm nhìn trong dài hạn đối với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Tiến sỹ Alison Weston, Trưởng phòng Phòng Đối tác và Thỏa thuận, EEAS cho rằng từ đây, hai bên có thể rút ra bài học, đưa ra những sáng kiến để phát huy tính hiệu quả của việc triển khai các hoạt động này trên phạm vi toàn cầu.
Thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với EU và các quốc gia thành viên để đạt được nhiều thành công hơn nữa trong việc nâng cao vai trò, tính hiệu quả của hoạt động gìn giữ hòa bình và quản lý khủng hoảng, mở rộng sự tham gia của các quốc gia vào các vấn đề hòa bình và an ninh toàn cầu nói chung, lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và quản lý khủng hoảng nói riêng, khắc phục những hạn chế còn tồn tại.
Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã có những bước tiến đáng ghi nhận, từ giai đoạn trao đổi đoàn các cấp nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác giữa hai bên cho tới tiến hành những hoạt động hợp tác, thể hiện cụ thể qua nhiều cuộc trao đổi đoàn cấp cao.
Ngày 17/10/2019, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA), trong đó có lĩnh vực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Theo đó, Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á, nước thứ hai ở châu Á (sau Hàn Quốc) ký FPA với EU.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã ký Bản Tài liệu khái niệm với Đại sứ EU (một phần của FPA) về việc EU cử chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Hai bên cũng trao đổi về việc EU hỗ trợ đào tạo sỹ quan Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; về các nội dung liên quan đến hợp tác trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường gắn kết an ninh trong và với châu Á” (ESIWA) với 4 hướng hợp tác chính: quản lý khủng hoảng và gìn giữ hòa bình; an ninh hàng hải; an ninh mạng; chống khủng bố.
Buổi trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm về gìn giữ hòa bình, chính sách an ninh và phòng thủ chung là hoạt động trong khuôn khổ Dự án này.
Thời gian tới, EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ của Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đặc biệt là các lớp đào tạo tiếng Pháp, cũng như trong việc hoàn tất các thủ tục cần thiết để cử cán bộ của Việt Nam tới thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ EUTM RCA./.
(TTXVN/Vietnam+)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Dấu ấn kỳ họp lịch sử: Dấu ấn của Bộ Quốc phòng trong dòng chảy lịch sử
02/07/2025Tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về quân sự, quốc phòng. Hai luật này đều được 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành khi biểu quyết thông qua.
Chính thức thực hiện chế độ nghỉ phép mới với quân nhân từ hôm nay (1-7)
01/07/2025Từ hôm nay, chế độ nghỉ phép của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 56/2025/TT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mới ban hành.
Công chức, viên chức dân sự được tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc
27/06/2025Quốc hội thông qua Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc cho phép mở rộng diện tham gia, gồm cả cán bộ, công chức, viên chức dân sự ngoài lực lượng công an, quân đội.
"Việt Nam có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc"
26/06/2025Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng cho biết từ một thành viên tích cực, Việt Nam đang từng bước vươn lên khẳng định vị thế chủ động, chuyên nghiệp và có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Vững bước ra thế giới, gắn bó với quê hương: Người lính gìn giữ hòa bình trở về thắp lửa nghĩa tình trên đất mẹ Ninh Bình
22/06/2025Sáng 22/6/2025, tại xóm 11, xã Chất Bình, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam đã phối hợp với Cục Chính trị/BTTM và cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức trọng thể Lễ khánh thành và bàn giao Nhà tình nghĩa tặng gia đình ông Trần Văn Hiến – người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.