“Ngày bình thường” đặc biệt tại Bangui
Chiều 30 Tết ở Việt Nam, hẳn ai trong chúng tôi cũng sẽ “chạy xuôi chạy ngược” đi lo mua sắm đồ bày biện ban thờ, trang trí nhà cửa, ngắm chọn cành đào, cây quất hay chuẩn bị mâm cơm tất niên cùng gia đình… Hoặc “nhã” hơn và thư thả hơn, tôi vẫn tận hưởng thói quen đạp xe vòng quanh Bờ Hồ, với chiếc tai phone, nghe mê mải các bài hát về Hà Nội. Nhưng năm nay, năm anh em của Tổ công tác lại đón Tết trong phiên bản của một ngày bình thường. Và vì vậy, chúng tôi biến những điều bình thường trở nên đặc biệt.
Ngày 28 Tết ấy tại Bangui, Cộng hoà Trung Phi, vẫn là một ngày làm nhiệm vụ bình thường, như mọi ngày. Tranh thủ hai tiếng nghỉ trưa, năm anh em rủ nhau đi chợ, “sắm Tết”. Ở Trung Phi, mọi khung giờ, chợ đều đông và nhộn nhịp nên dường như bất kể khoảnh khắc nào cũng thấy không khí rộn ràng như ngày có hội. Ở đây, tiếng Pháp được người dân sử dụng để giao tiếp, giao thương hàng hoá; tuy nhiên, bước vào khu chợ lúc nào cũng có cảm giác thân thuộc, chắc có lẽ bởi nhiều năm qua, các tiểu thương đã quá quen với bộ quân phục của các sĩ quan Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Chẳng thế mà vào gian hàng nào chúng tôi cũng được người dân nở nụ cười thân thiện đón chào.
Vì thời gian có hạn nên khi tới chợ, mọi người sẽ tỏa đi mua đồ theo “nhiệm vụ” đã được phân công từ những ngày trước đó. Hôm nay, tôi- Đại uý Vũ Nhật Hương, Sĩ quan Truyền thông, Phòng Truyền thông, Phái bộ Gìn giữ hoà bình Cộng hoà Trung Phi (MINUSCA) được phân công phụ trách chuẩn bị cho món nem và canh măng truyền thống. Ngoài những nguyên liệu cơ bản như măng khô, nấm và một số gia vị đã được chuẩn bị từ Việt Nam, tôi cần tìm mua các nguyên liệu tươi như thịt, rau, để các món ăn được đủ đầy, trọn vị. Những thành viên còn lại của tổ công tác sẽ đi tìm những nguyên liệu, phụ kiện để làm bánh chưng- món ăn đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết.
Đến chợ, bạn sẽ biết thêm được mọi thứ. Điều vô cùng thú vị là lá dong cũng hiện hữu ở Bangui, bởi người dân Trung Phi cũng sử dụng để gói các loại bánh truyền thống của họ. Hay như muốn tìm mua lạt buộc bánh, chúng tôi tới gian hàng mây tre đan đơn sơ; và khuôn bánh được đặt thủ công tại một xưởng mộc cũ kỹ… Sau giờ tan làm ca chiều, mấy anh em nhanh chóng trở về nhà dựng chiếc lán nhỏ ở góc sân, với mái che là những tàu lá chuối, sẵn sàng cho buổi gói bánh chưng chiều 29 Tết.
Hôm đó, trong khung cảnh dã chiến tại lán nhỏ, với mùi thơm thoang thoảng của… hương muỗi, một chút nhạc Xuân vang lên khiến cho khung cảnh bỗng chốc trở nên thân thuộc. Lá dong được xếp ngay ngắn trong khuôn, xanh mướt dưới roi rói gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ,….Ai cũng háo hức muốn được tự gói vài chiếc bánh, vì mỗi chúng tôi đều muốn lưu giữ lại những kỷ niệm độc nhất vô nhị, ở chính những khoảnh khắc đặc biệt như vậy. Thế nên, những chiếc bánh chưng vuông vắn cứ liên tục thành hình, dưới tay những “người thợ” dã chiến. Đêm xuống, thời tiết Bangui se se lạnh, mấy anh em quây quần quanh nồi bánh chưng bập bùng, kể nhau nghe những câu chuyện về “ngày xưa”, ngày nhập ngũ, những tháng ngày huấn luyện và trưởng thành trong môi trường quân đội… Tình đồng chí, đồng đội thật sự làm ấm cả trời đông.
Ai cũng háo hức muốn được tự gói vài chiếc bánh để lưu giữ lại những kỷ niệm độc nhất vô nhị ở khoảnh khắc đặc biệt này.
Ngày 30 Tết cũng chỉ là một ngày rất đỗi bình thường tại Bangui. Những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam vẫn quân phục chỉnh tề đến trụ sở làm việc, chỉ khác là về sớm hơn mọi ngày một chút.
Lá cờ Tổ quốc, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ngay ngắn và trang trọng bên trên ban thờ; mâm ngũ quả, đĩa xôi, con gà, tất nhiên là cả bánh chưng cũng được bày biện gọn gàng; những cành mai, đào giấy được cắm ngay ngắn, góp phần khơi dậy không khí xuân ngập tràn trong ngôi nhà nhỏ. Khung cảnh 18 giờ chiều vắng lặng, trong ánh sáng được chiếu ra từ vài chiếc đèn pin-cũng là thời điểm giao thừa tại Việt Nam (bởi ở đây, chuyện mất điện là một điều rất bình thường).
Nam giới quân phục chỉnh tề, nữ giới trong bộ áo dài truyền thống, chúng tôi hướng về lá cờ Tổ quốc cùng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng nhau nguyện cầu: “Chúc Tết đến trăm điều như ý – Mừng xuân sang vạn sự thành công”.
Sau những nghi lễ đó, là khoảng thời gian cho gia đình. Tôi đã chứng kiến đôi mắt rưng rưng của người bạn cùng nhà, khi gọi video call về trò chuyện cùng đứa con ba tuổi bi bô chúc Tết mẹ. Tôi cũng thấy cả nỗi tiếc nuối của một người anh, năm nay có con trai lớn ôn thi vào cấp III, mà không thể ở cạnh động viên trực tiếp. Và tôi cũng mỉm cười thầm lặng, khi nghe cả tiếng cười giòn tan phát ra từ những chiếc điện thoại khác- những cuộc hội thoại kèm theo cả tiếng nâng ly chúc mừng đầu xuân năm mới…
Và ở đó còn có tôi, ôm điện thoại mà như thấy được cả nụ cười chất chứa đầy lo lắng, quan tâm của mẹ. Cứ thế, mỗi một góc nhà là một câu chuyện, tô đậm thêm một ý niệm nghìn đời: Tết là thời gian để sum vầy, và Nhà là nơi để trở về.
Cảm xúc cuồn cuộn dâng trào, nhưng chúng tôi đều hiểu, đây là vinh dự, là vinh quang, gắn liền sứ mệnh mà Tổ quốc giao phó. Vậy nên, ai cũng gắng nén lại cảm xúc, để cùng chúc nhau một nhiệm kỳ bình an, thành công như ý.
Mồng một Tết. Những chiếc bánh chưng và nem cuốn là hai món ăn được chọn để giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam với bạn bè thế giới, trong ngày Tết cổ truyền.
“Ừm! Ngon đấy!”
“Wow, thật lạ, tôi thấy nó có đậu xanh”
“Có thể cho tôi thêm một phần nữa không?”…
Qua những câu chuyện cùng nỗ lực giải thích ý nghĩa của chúng tôi, các bạn quốc tế ở phái bộ còn ngỏ ý muốn được cùng tham gia gói bánh chưng hay mừng tuổi đầu năm. Thật bất ngờ và ấm áp, không biết tự khi nào, họ đã truyền dạy nhau, gửi tặng những sĩ quan Việt Nam nụ cười thân thiện, cái ôm ấm áp cùng câu “Chúc mừng năm mới!” rạng rỡ.
Người đã từng nhiều lần đón Tết xa nhà như Thiếu tá Nguyễn Thành Trung, Sĩ quan Tham mưu Trang bị cũng không nén nổi xúc động: “Dịp Tết, đối với mỗi người Việt Nam xa Tổ quốc khó tránh khỏi nỗi nhớ nhà, nhưng cùng với đồng chí, đồng đội, chúng tôi vẫn có một cái Tết ấm áp, sum vầy. Chúng tôi làm nhiệm vụ xa Tổ quốc luôn hướng về Việt Nam với niềm tự hào và thêm quyết tâm hơn, nỗ lực hơn để thực hiện tốt sứ mệnh của người lính Mũ nồi xanh!”. Thậm chí, có những người đồng đội từng đón Tết tại Phái bộ hai đến ba lần mà vẫn hồi hộp, thấp thỏm chờ đón khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng hướng về đất mẹ.
Hay như đối với tôi, lần đầu tiên đón Tết xa nhà, mọi thời điểm, mọi khoảnh khắc đều là những kỷ niệm khó quên, là niềm tự hào. Được đội chiếc mũ nồi xanh này, được làm việc, cống hiến cho Tổ quốc và trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất của thanh xuân, tôi càng thêm trân trọng cuộc đời quân ngũ, thêm cảm mến, yêu quý đồng đội, và thêm hiểu giá trị của sứ mệnh mình đã và đang phục vụ.
Những “ngày bình thường”, mà dư vị thật đặc biệt, mênh mang…
HƯƠNG VŨ
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Giao lưu chủ đề "Giá trị của hoà bình" giữa các sĩ quan GGHB Việt Nam với Thầy trò trường THCS Ngô Sĩ Liên
05/05/2023Sáng ngày 05/5/2023, Thầy và trò trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên đã có buổi Giao lưu với các Sĩ quan Cục Gìn Giữ Hòa Bình Việt Nam với chủ đề "Giá trị của hòa bình". Tới dự buổi giao lưu có đồng chí Thượng tá Nguyễn Việt Hưng, Nguyên Quan sát viên Quân sự tại Phái bộ Gìn Giữ Hòa Bình Liên hợp quốc Cộng hoà Nam Xu-đăng (UNMISS), nhiệm kỳ 2016-2017; Thiếu tá Nguyễn Văn Thứ, Nguyên Sĩ quan Tham mưu Hậu cần tại Phái bộ Gìn Giữ Hòa Bình Liên hợp quốc, Khu vực Abyei (UNISFA), nhiệm kỳ 2022-2023; và Đại uý Vũ Nhật Hương, Nguyên Sĩ quan Truyền thông tại Phái bộ Gìn Giữ Hòa Bình Liên hợp quốc Cộng hoà Trung Phi (MINUSCA), nhiệm kỳ 2021-2022. Chương trình có ý nghĩa nhằm giáo dục cho học sinh về giá trị của hòa bình, về sự thấu hiểu, sẻ chia và có những suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi người trong việc gìn giữ hòa bình hôm nay. Bên cạnh đó, giáo dục tới các thế hệ trẻ về lòng biết ơn và trân trọng cuộc sống hoà bình quê hương.
Cục GGHB Việt Nam phối hợp, tổ chức thành công buổi làm việc và giao lưu với Đoàn cán bộ, giảng viên và sinh viên Học viện Ngoại giao
20/04/2023Sáng ngày 20/4/2023 Cục Gìn giữ hoà bình (GGHB) Việt Nam tổ chức buổi tiếp đón, làm việc,giao lưu với giảng viên và các sinh viên của Học viện Ngoại giao. Đồng chí Thượng tá Phạm Tân Phong, Phó Cục trưởng chủ trì buổi làm việc và giao lưu, cùng tham gia có các đồng chí Chỉ huy, cán bộ thuộc Cục GGHB Việt Nam, các đồng chí cán bộ, công nhân viên thuộc Đội Công binh số 2 và đặc biệt là các đồng chí cán bộ vừa kết thúc nhiệm kỳ tại các Phái bộ, cán bộ chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới. Đại diện Học viện Ngoại giao có sự tham dự của Tiến sĩ Lê Ngọc Hân, Phó Trưởng khoa Chính trị quốc tế và ngoại giao cùng tập thể sinh viên Lớp CT47C1.
“Ngày thương yêu” tri ân những “đóa hồng xanh” của lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam
08/03/2023Ngày 08/3, Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam đặc biệt tổ chức chương trình giao lưu “Ngày thương yêu” trong khuôn khổ Chào mừng Kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 – 08/3/2023). Dự và chỉ đạo chương trình có Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng - Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam, tham dự còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Chỉ huy Cục GGHB Việt Nam cùng lãnh đạo các phòng, ban tại Cục. Đặc biệt hơn cả, chương trình có sự góp mặt của hơn 30 nữ cán bộ, sĩ quan, Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) đang công tác tại Cục GGHB Việt Nam và Đội Công binh số 2, cùng gần 200 thành viên của Đội Công binh số 2 chuẩn bị triển khai tại phái bộ GGHB Liên hợp quốc (LHQ).
Còn sức, còn bước tới!
05/03/2023Boali, Cộng hoà Trung Phi, ngày 18/03/2022. Dứt khoảnh khắc đếm ngược là một tiếng nổ dữ dội, cùng một cột khói cao ngút xuất hiện ngay sau quầng lửa rực sáng. Cho dù đứng ở một khoảng cách an toàn, tôi vẫn phải nín thở, mím môi, tay giữ chặt máy quay để ghi lại những thước phim và hình ảnh chân thực nhất. Buổi xử lý vật liệu nổ diễn ra an toàn, thành công, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.